Hiện trường Thủy điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế). Ảnh: TTXVN phát
Trưởng đoàn công tác, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương Tô Xuân Bảo cho biết, Đoàn đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế và đại diện chủ đầu tư nhà máy Thủy điện Thượng Nhật. Kết quả bước đầu có thể khẳng định, đợt mưa bão vừa qua, Thủy điện Thượng Nhật đã không tuân thủ quy định lệnh mở hoàn toàn 5 cửa van xả nước của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp Tô Xuân Bảo, phía Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam, chủ đầu tư Thủy điện Thượng Nhật trình bày một số lý do liên quan đến vi phạm của đơn vị nhưng Đoàn công tác không chấp nhận. Đoàn công tác đã tiến hành thu thập hồ sơ và trong ngày 18/11 sẽ tiến hành nghiên cứu, họp với Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế để có thể đưa ra những kết luận đầy đủ cuối cùng.
Đoàn công tác Bộ Công Thương kiểm tra thực địa và làm việc tại Thủy điện Thượng Nhật. Ảnh: TTXVN phát
Theo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngày 17/11, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam do không tuân thủ lệnh điều hành, vận hành hồ chứa, đập dâng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp lũ lụt, hạn hán, thiếu nước và các trường hợp khẩn cấp khác; vi phạm quy định tại điểm a, khoản 9, điều 13 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Công trình nhà máy Thủy điện Thượng Nhật do Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư, có công suất 11 MW, hiện chưa được các cơ quan chức năng cấp phép để tích nước. Theo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, lý do hiện nay Thủy điện Thượng Nhật chưa được tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép tích nước phát điện là chủ đầu tư chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng khu lòng hồ và hoàn trả tuyến đường dân sinh cho người dân địa phương bị ảnh hưởng trong quá trình xây dựng nhà máy.
Theo Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông, trong công tác đền bù, Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung Việt Nam vẫn chưa thống nhất với 6 hộ dân xã Thượng Nhật về diện tích đền bù đất trong lòng hồ và chậm trả tiền đền bù như cam kết. Cụ thể, hộ ông Hồ Văn Sỹ có 1 thửa đất với diện tích hơn 2.677 m2 bị ảnh hưởng, Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung Việt Nam cho đó là diện tích ven sông suối, đất hoang hóa và đề xuất hỗ trợ 5.350.000 đồng nhưng gia đình ông Sỹ không thống nhất. Đối với hộ ông Hồ Văn Bí, Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung Việt Nam cam kết chi trả đền bù 52.150.000 đồng nhưng đến nay chưa thực hiện. Ngoài ra, có 4 hộ có diện tích phát sinh thêm, Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung Việt Nam chưa hợp đồng đơn vị tư vấn để đo đạc diện tích này.
Tác giả: Đỗ Trưởng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy