Dòng sự kiện:
Thủy sản Việt Nam và cú 'lội ngược dòng' trị giá 9 tỷ USD
02/02/2022 19:03:17
2021 là năm thành công của thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu toàn ngành đạt gần 9 tỷ USD. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường khó tính như Hoa Kỳ đạt 2 tỷ USD

Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, Người Đưa Tin đã có buổi trò chuyện với Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Trần Đình Luân.

Trùng điệp những thách thức bủa vây ngành thủy sản

NĐT: Đại dịch Covid-19 năm qua đã tác động ra sao đến tình hình hoạt động của ngành thủy sản, thưa ông?

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: Trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do đóng cửa biên giới, hàng loạt các nhà hàng ăn nhanh ở những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển bị ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng, một số khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới, thiếu hụt lao động tạm thời.

Sản lượng tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản tại các thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa giảm. Các thị trường chính (Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU) của cá tra tiếp tục bị dịch ảnh hưởng nặng đến hoạt động sản xuất kinh doanh ngành hàng cá tra.

Việc dự báo thông tin thị trường, giá thu mua khó chính xác gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý người nuôi trồng thủy sản.

Hoạt động sản xuất thủy sản tại các khu vực bị phong tỏa, cách ly trong thời điểm cao trào của dịch gặp nhiều khó khăn do việc sản xuất, vận chuyển, cung ứng các vật tư không thuận lợi. Hoạt động tiêu thụ nông sản trên địa bàn một số tỉnh gặp khó khăn đã làm cho một số sản phẩm nông nghiệp đến kỳ thu hoạch không tiêu thụ được, đặc biệt tại các khu vực bị phong tỏa.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại 19 tỉnh và thành phố ở miền Nam, để đảm bảo duy trì sản xuất thủy sản, chuỗi cung ứng không bị đứt gãy trong năm 2021 và năm 2022, Tổng cục đã triển khai các nhiệm vụ trọng điểm.

Cử lãnh đạo Tổng cục và lãnh đạo Vụ chuyên môn tham gia Tổ công tác của Bộ chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam, phía Bắc trong điều kiện cao điểm của dịch bệnh Covid 19.

Tham mưu cho Bộ tổ chức các Hội nghị trọng tâm như, Hội nghị trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản các tháng cuối năm 2021, khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vào ngày 04/9; Hội nghị trực tuyến về “Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội”; Hội nghị trực tuyến tổ chức khai thác thích ứng an toàn, phòng chống dịch bệnh Covid-19; Hội nghị trực tuyến về giải pháp phát triển ngành hàng tôm và cá tra tháng cuối năm 2021 và năm 2022.

Kết quả sản xuất thủy sản vẫn được duy trì đảm bảo tốc độ tăng trưởng ngành.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Trần Đình Luân

NĐT: Những khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian đại dịch diễn ra?

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: Công suất hoạt động của các doanh nghiệp ngành chế biến thủy sản giảm mạnh. Trong bối cảnh nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hầu như các công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản không có đủ điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”, phải dừng hoạt động để đảm bảo yêu cầu phòng dịch hoặc do công nhân chưa được tiêm vắc xin.

Doanh nghiệp, thương lái khó khăn trong thu mua nguyên liệu. Việc kiểm soát chặt chẽ, cứng nhắc đối với người và phương tiện vận tải khiến doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn nguyên liệu; quy trình, thủ tục kiểm soát phức tạp khiến cho việc thu mua bị chậm tiến độ; người lao động ở các khâu thu mua, thu hoạch, vận chuyển không muốn tham gia lao động do sợ nhiễm bệnh hoặc do chưa được tiêm vắc xin.

Tiêu thụ của các doanh nghiệp chế biến thủy sản giảm mạnh. Tiêu thụ giảm mạnh do các nhà máy ngừng hoặc giảm công suất hoạt động, hoạt động xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch.

Áp lực trong việc đảm bảo tiền lương cho người lao động để giữ chân lao động. Lao động ngành chế biến thủy sản thường phải qua đào tạo. Ngành chế biến thủy sản vốn dĩ đã khó khăn trong việc thu hút lao động do đặc thù nghề thì nay lại càng khó khăn hơn trong việc duy trì lao động và đảm bảo tiền lương cho người lao động để giữ chân lao động khi mà doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc giảm công suất hoạt động hoặc giảm lợi nhuận cho phát sinh thêm nhiều khoản chi phí liên quan đến công tác phòng, chống dịch, logistic, …

Áp lực về gia tăng chi phí và hàng tồn kho. Đặc thù ngành chế biến thủy sản là thành phẩm phải bảo quản trong kho đông lạnh, tỷ lệ tồn kho lại cao. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc bị giảm tiêu thụ sẽ gây ra áp lực rất lớn về chi phí điện, chi phí lưu kho khác và ứ đọng vốn. Tình trạng thiếu container đông lạnh rỗng, khó khăn trong vận chuyển hàng đến cảng biển, các đơn hàng của doanh nghiệp thủy sản bị hủy, trì trệ, bị trả về do tác động dịch khiến cho chi phí logistic bị đội lên, khiến cho một số doanh nghiệp chế biến rơi vào thì trạng doanh thu tăng mà lợi nhuận giảm.

NĐT: Đã 4 năm thủy sản Việt Nam bị áp “thẻ vàng” IUU, ông đánh giá sao về ảnh hưởng của lệnh hạn chế này với hoạt động xuất khẩu của thủy sản Việt Nam?

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: Các lô hàng thuỷ sản khai thác xuất khẩu vào Châu Âu sẽ bị kiểm tra nghiêm ngặt hơn, thực hiện truy xuất nguồn gốc thuỷ sản kể cả sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu vào Việt Nam để chế biến xuất khẩu (khai thác ở vùng biển nào, do tàu nào khai thác, thời gian khai thác…), đảm bảo sản phẩm đó không phải là sản phẩm khai thác bất hợp pháp.

Thời gian lưu kho để thực hiện các thủ tục kiểm soát trên kéo dài dẫn đến tăng chi phí, thậm chí có một số lô hàng bị trả về do không đáp ứng yêu cầu của EC.

NĐT: Tổng cục đã triển khai thực hiện những giải pháp thiết thực gì nhằm gỡ bỏ “thẻ vàng” này, thưa ông?

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: Thời gian vừa qua, Tổng cục Thủy sản – Bộ NN-PTNT đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm sớm gỡ bỏ thẻ vàng của EC đối với thủy sản xuất khẩu sang thị Châu Âu.

Tham mưu hoàn thiện Hệ thống pháp luật về thủy sản đã được và cơ bản đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, đảm bảo quản lý, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm.

Tham mưu Bộ NN-PTNT đã ban hành gần 100 văn bản chỉ đạo; tổ chức triển khai thực hiện văn bản chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia.

Thường xuyên tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra tại địa phương: chỉ ra những tồn tại, hạn chế, sau kiểm tra Tổng cục/Bộ có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế; đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện Luật Thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU.

Hoạt động của các tàu cá, quản lý đội tàu thường xuyên được theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Đến nay, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá đã đạt 94,26%, thực hiện đánh dấu 85.620 trên tổng số 94.572 tàu cá, đạt 90,53%. Quản lý đội tàu khai thác hải sản theo quy hoạch, không tăng số lượng tàu cá hiện có.

Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản, kiện toàn tổ chức, bộ máy, tập huấn đào tạo cho các đơn vị trực tiếp thực hiện công việc chống khai thác IUU.

Ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài: đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

Tăng cường kiểm tra , xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm về khai thác IUU.

Và những thành tựu đáng tự hào

NĐT: Năm 2021 đầy biến động đã khép lại, ông có thể chia sẻ đôi điều về những thành tựu ngành thủy sản đạt được trong năm 2021?

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: Thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2021- 2030, kế hoạch trung hạn 2021-2025, ngành thủy sản đã quyết liệt triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch...với quyết tâm cao nhất hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Công tác quản lý nhà nước về nuôi trồng, khai thác thủy sản, bảo vệ nguồn lợi triển khai theo đúng quan điểm, định hướng, các chỉ tiêu kế hoạch đã bám sát với mục tiêu Chiến lược; việc xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch, các văn bản quản lý Nhà nước, các chính sách đã được thực hiện đồng bộ, phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Mặc dù trong điều kiện chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid nhưng tình hình sản xuất của các địa phương vẫn chủ động, kịp thời theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, đưa ra các giải pháp linh hoạt, phù hợp trong sản xuất như, điều chỉnh mùa vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản; tăng cường kiểm soát tàu cá tại cảng, đảm bảo công tác phòng chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất..., đảm bảo duy trì tăng trưởng, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản và tổng sản lượng thủy sản năm 2021 tăng so với 2020, đạt được chỉ tiêu đề ra.

Công tác quản lý nuôi trồng thủy sản từ quản lý thức ăn, con giống, quan trắc môi trường, chứng nhận VietGAP... vẫn được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.

Công tác tái tạo và phát triển nguồn lợi được phối hợp triển khai hiệu quả, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ đông đảo của lãnh đạo các sở, ban, ngành tại địa phương và tổ chức cá nhân.

Nguồn lực đầu tư từ cho lĩnh vực thủy sản trong giai đoạn 2021-2025 đã được Chính phủ, Bộ quan tâm nhiều hơn, ngoài nguồn vốn NSNN, Bộ đã huy động, kêu gọi thêm các nguồn vốn ODA từ ngân hàng thế giới – WB và Ngân hàng châu Á - ADB. Tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, tham mưu điều chỉnh nội dung, kinh phí và phê duyệt kinh phí đối với các nhiệm giao đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.

Qua những kết quả triển khai nhiệm vụ trên, năm 2021 ngành thủy sản đã đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng ngành đặt ra từ đầu năm với các chỉ tiêu chính:

- Tổng sản lượng thủy sản đạt 8,73 triệu tấn (vượt 1,5% kế hoạch năm). Trong đó: sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,92 triệu tấn (vượt 1,8%), sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 4,8 triệu tấn (vượt 1,2%).

- Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,89 tỷ USD (vượt 4,6%).

NĐT: Ông kỳ vọng ra sao về tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản trong năm 2022?

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: Năm 2022, ngành thủy sản sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, quán triệt thực hiện các quy định của Luật Thủy sản 2017, các nhiệm vụ, giải pháp Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, tập trung cao nhất cho chỉ đạo sản xuất theo định hướng tại Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các quy định về đàn cá di cư; Biện pháp Quốc gia có cảng và các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tại Kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ.

Năm 2022, toàn ngành quyết tâm hoàn thành Kế hoạch phát triển thủy sản với các chỉ tiêu chủ yếu như sau:

Tổng sản lượng: 8,73 triệu tấn (trong đó: sản lượng khai thác 3,78 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng 4,95 triệu tấn).

Diện tích và sản lượng sản phẩm chủ lực quốc gia:

Tôm sú: sản lượng 275 nghìn tấn.

Tôm thẻ chân trắng: sản lượng 675 nghìn tấn.

Cá tra: sản lượng 1,6 triệu tấn.

Kim ngạch xuất khẩu hoàn thành mục tiêu 9 tỉ USD.

NĐT: Bước sang năm mới 2022, xin ông chia sẻ đôi lời đến với các doanh nghiệp, người dân và cán bộ đang công tác trong ngành thủy sản!

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: Năm vừa qua, ngành Thủy sản đã gặp nhiều khó khăn. Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế - xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản; giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây (trong đó giá dầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ) ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu thủy sản.

Ủy ban Châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản vào Thị trường EU.

Tình hình an ninh trật tự trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trên biển của ngư dân, song ngành thủy sản, Tổng cục Thủy sản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm và vượt một số chỉ tiêu sản xuất, xuất khẩu thủy sản hồi phục mạnh mẽ, ấn tượng như, tổng sản lượng đạt 8,73 triệu tấn (tăng 1%), kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD (tăng 5,7%), tổng giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 9,57 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với sự cố gắng phấn đấu của toàn thể công chức, viên chức và người lao động thuộc Tổng cục, sự vào cuộc tích cực của địa phương, hiệp hội ngành hàng thủy sản, doanh nghiệp và bà con nông, ngư dân, năm 2021 kết quả như trên đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của Ngành Thủy sản nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung trong năm 2021.

Thay mặt lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, tôi biểu dương sự cố gắng vượt bậc, nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức và người lao động thuộc Tổng cục Thủy sản và cảm ơn sự phối hợp có hiệu quả của các Bộ ban ngành, đơn vị có liên quan, bà con ngư dân và cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đã đồng lòng, cố gắng hoàn thành xuất sắc những chỉ tiêu đã đề ra trong năm vừa qua.

Bước sang năm mới Nhâm Dần 2022, chúc toàn thể các đồng chí và gia đình có nhiều sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc và thành công!

Chúc cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng năm mới đạt và vượt chỉ tiêu xuất khẩu đề ra, bà con nông ngư dân vững tay lái, chắc tay chèo yên tâm bám biển sản xuất hiệu quả, an toàn.

NĐT: Xin cám ơn ông và chúc cho ngành thủy sản bước vào một năm mới thành công!.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến