Dòng sự kiện:
Tiềm lực công ty dược sắp đầu tư nhà máy 840 tỷ đồng tại Bình Định
27/07/2023 15:03:30
Sắp tới, Bidiphar sẽ triển khai đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ tại Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có diện tích đất sử dụng là 24.966 m2.

Ngày 30/6 vừa qua, HĐQT Công ty Cổ phần Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar, HoSE: DBD) đã công bố Nghị quyết triển kai đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ tại lô A3.03, Khu Công nghiệp Nhơn Hội – khu A, Khu Kinh tế Nhơn Hội, xã Nhơn Hội, Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Huy động vốn từ 5 nhà đầu tư

Dự án có tổng mức đầu tư 840 tỷ đồng, trong đó có 700 tỷ đồng vốn góp và 140 tỷ đồng vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Diện tích đất sử dụng xây dự án là 24.966 m2, quy mô xây dựng dự kiến diện tích sàn 33.460 m2, 5 tầng với chiều cao công trình 20 m.

Thời hạn hoạt động dự án 50 năm, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu. Về tiến độ đầu tư, trong quý III năm nay công ty sẽ hoàn thành các thủ tục hành chính về đầu tư và các thủ tục liên quan, quý IV/2023 – quý IV/2024 khởi công nhà xưởng và công trình phụ trợ giai đoạn 1, quý I/2027 sẽ đi vào vận hành chính thức và năm 2030 sẽ khởi công nhà xưởng và công trình phụ trợ giai đoạn 2.

Khi dự án đi vào hoạt động, Bidiphar dự kiến doanh thu đạt 580 tỷ đồng, đến năm 2030 doanh thu dự kiến có thể lên tới 1.685 tỷ đồng. Sản phẩm bán cả 2 kênh bệnh viện và nhà thuốc, kênh bệnh viện sẽ nhiều hơn.

Theo biên bản ĐHĐCĐ thường niên 2023, đại diện Bidiphar cho biết đây là nhà máy sản xuất các mặt hàng chủ lực của công ty. Vì vậy, Ban điều hành đã xây dựng các phương án huy động vốn để xây dựng nhà máy, trong đó phương án an toàn nhất là chỉ sử dụng vốn của công ty là dùng lợi nhuận còn lại chưa phân phối hết dùng để đầu tư nhằm giảm áp lực tài chính.

Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 Bidiphar cũng trình kế hoạch phát hành riêng lẻ 18,7 triệu cổ phiếu cho 5 nhà đầu tư với giá tối thiểu 50.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2023 và 2024, sau khi công ty nhận được văn bản chấp thuận của UBCKNN. Nguồn vốn huy động sẽ được bổ sung cho đầu tư xây dựng mới nhà máy này.

Chi nhánh Bidiphar tại Nhơn Hội, Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Trước đó vào cuối năm 2018, doanh nghiệp đã triển khai Dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm Bidiphar công nghệ cao tại lô A3.01, Khu Công nghiệp Nhơn Hội – khu A, Khu Kinh tế Nhơn Hội, xã Nhơn Hội, Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Nhà máy có tổng vốn đầu tư trên 280 tỷ đồng với quy mô 30.000 m2. Theo kế hoạch ban đầu, thời gian hoàn thành thẩm định nhà máy và đưa vào vận hành sản xuất là tháng 3/2020 đối với dây chuyền thuốc tiêm và tháng 6/2020 đối với dây chuyền thuốc viên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên thời gian hoàn thành Nhà máy đến cuối quý IV/2020 và tiến hành đánh giá theo tiêu chuẩn GMP PIC/s, GMP EU vào năm 2021.

Quy mô sản xuất nhóm sản phẩm thuốc điều trị ung thư dạng tiêm là 6 triệu sản phẩm/năm, tương đương 10 tấn/năm; nhóm sản phẩm thuốc điều trị ung thư và hormone dạng viên là 60 triệu sản phẩm/năm, tương đương 100 tấn/năm.

Doanh thu 10 năm liên tiếp trên nghìn tỷ đồng

Về bức tranh tài chính, Bidiphar có doanh thu 10 năm liên tiếp đều trên nghìn tỷ đồng kể từ 2012 và lợi nhuận hơn trăm tỷ trong 8 năm liên tiếp. Trong năm 2022 vừa qua, công ty ghi nhận lãi sau thuế kỷ lục ở mức 243,5 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2021 và vượt 13% kế hoạch đề ra.

Sang nửa đầu năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 14% lên 819,5 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 172,8 tỷ đồng và 140,2 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ.

Năm 2023, Bidiphar lên kế hoạch đem về 1.800 tỷ đồng doanh thu và 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 13% và 19% so với thực hiện năm 2022. Với kết quả đạt được trong nửa đồng năm, công ty đã thực hiện được lần lượt 46% và 58% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm.

Riêng trong quý II/2023 công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 414 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, chủ yếu là doanh thu bán dược phẩm sản xuất gần 409,6 tỷ đồng.

Cấn trừ các chi phí, Bidiphar báo lợi nhuận sau thuế gần 72 tỷ đồng, tăng 61% so với kết quả cùng kỳ, đây cũng là mức lãi quý cao thứ 2 kể từ khi công ty niêm yết trên sàn năm 2018. Phía công ty cho biết, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đến từ việc thay đổi cơ cấu kinh doanh, đẩy mạnh các mặt hàng dược phẩm tự sản xuất.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Bidiphar giảm nhẹ xuống 1.868,6 tỷ đồng, như vậy ở thời điểm hiện tại, Dự án Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ chiếm 45% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Trong kỳ, tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn của Bidiphar ở mức 147,5 tỷ đồng, giảm 47% so hồi đầu năm. Hàng tồn kho tăng 17% so với đầu năm lên 536,7 tỷ đồng, chủ yếu là 31 tỷ đồng nguyên vật liệu và 186,7 tỷ đồng thành phẩm.

Chi phí xây dựng dở dang của công ty tăng 55% lên 150,8 tỷ đồng, trong đó chi phí tại nhà máy sản xuất dược công nghệ cao tăng 32% lên hơn 83 tỷ đồng, chi phí dây chuyền thuốc tiêm bột 26,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không phát sinh và gần 25 tỷ đồng tại văn phòng làm việc chi nhán Hồ Chí Minh.

Đến cuối quý II, tổng nợ phải trả của Bidiphar ở mức 527,3 tỷ đồng, giảm 13 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với 402,5 tỷ đồng và 124,6 tỷ đồng nợ dài hạn.

Khoản vay nợ tài chính ngắn hạn tăng gấp 3,6 lần so với đầu năm lên hơn 57 tỷ đồng, trong đó công ty vay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hơn 41 tỷ đồng, 16 tỷ đồng còn lại là vay dài hạn đến hạn trả.

Ngược lại, khoản vay nợ tài chính dài hạn giảm 13% so với đầu năm xuống còn 52 tỷ đồng, toàn bộ là khoản vay từ quỹ đầu tư phát triển Bình Định.

Vốn chủ sở hữu của Bidiphar giảm nhẹ so với đầu năm xuống còn 1.335 tỷ đồng, trong đó có 748,8 tỷ đồng vốn góp. Đến cuối quý II, quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Định nắm giữ 13,34% vốn điều lệ của công ty, tương đương sở hữu gần 10 triệu cổ phần, các cổ đông khác sở hữu 86,59% vốn, tương đương 64,8 triệu cổ phần và 0,07% cổ phần còn lại là cổ phiếu quỹ.

Ngày 7/7 vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ra Quyết định số 483 xử phạt vi phạm hành chính đối với Bidiphar do thực hiện hành vi vi phạm hành chính khi sản xuất thuốc vi phạm chất lượng mức độ 1 theo quy định của pháp luật đối với thuốc Methotrexat Bidiphar 50mg/2ml, số giấy đăng ký lưu hành QLĐB-638-17, số lô 21003, ngày sản xuất 30/8/2021, hạn sử dụng 30/8/2023.

Hình thức xử phạt hành chính đối với Bidiphar là phạt tiền với mức 100 triệu đồng.

Ngoài ra, đơn vị này còn chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động dây chuyền sản xuất liên quan đến hành vi vi phạm trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày ban hành ban hành quyết định này. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc vi phạm chất lượng.

Trước vụ việc trên, bà Phạm Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc Bidiphar cho biết, việc này xảy ra từ 2021, công ty đã ngay lập tức thực hiện việc thu hồi và kiểm tra chất lượng tất cả các lô khác trên thị trường.

Công ty cũng đã dừng sản xuất toàn dây chuyền để đánh giá các yếu tố nguy cơ và thực hiện tất cả các hành động phòng ngừa cần thiết. Toàn bộ hoạt động trên đều được công ty báo cáo đầy đủ tới cơ quan chức năng. Bà Hương thông tin thêm, cho tới nay, lô thuốc này đã được hủy toàn bộ.

Tác giả: Trần Thị Tú Anh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến