Dòng sự kiện:
Tiềm lực tập đoàn Kido tham gia vào cuộc chiến bán lẻ với Masan, Thaco
02/06/2021 15:54:53
Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (MCK: KDC) vừa ký thoả thuận với đối tác nhằm triển khai dự án bán lẻ theo mô hình chuỗi cửa hàng.

Tổng đầu tư dự án dự kiến ban đầu là 100 tỷ đồng, KDC sẽ tham gia 61% vốn và nắm chi phối hệ thống bán lẻ này. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa tiết lộ thông tin về lĩnh vực kinh doanh cụ thể.

Theo tìm hiểu, Kido được thành lập vào năm 1993, tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến thực phẩm Kinh Đô. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh phân phối các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng như dầu ăn, kem, bánh kẹo, thực phẩm ăn vặt và nước giải khát.

Ông Trần Kim Thành - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Kido.

Kido chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2002 với vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Năm 2020, vốn điều lệ của công ty là 2.797 tỷ đồng. Hiện, ông Trần Kim Thành là Chủ tịch HĐQT tập đoàn Kido.

Đến nay, Kido có 4 công ty con và hệ thống kênh phân phối khắp cả nước gồm 15 kho trung chuyển, 300 nhà phân phối, 450 nghìn điểm bán ngành khô, 120 nghìn điểm bán ngành lạnh.

Doanh nghiệp đang sở hữu 2 Nhà máy Thực phẩm Đông lạnh ở Bắc Ninh và Củ Chi; 3 nhà máy Dầu ăn ở Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhà Bè.

Ngoài ra, Kido còn sở hữu hệ thống kho chứa gần 8.000 m2; bồn chứa chất lỏng 22.300m3 và 4 Cầu Tàu tại Cảng Nhà Bè chịu tải trọng: 20.000 DWT, 5.000 tấn dầu.

Năm 2020, KDC đã có một công cuộc tái cấu trúc toàn bộ Công ty, đưa hết những thành viên sáp nhập vào Tập đoàn. Công ty cũng trở lại thị trường bánh kẹo với thương hiệu bánh trung thu Kingdom sau 5 năm vắng bóng.

Đầu năm 2021, KDC cũng bắt tay với Vinamilk để cùng sản xuất và kinh doanh nước giải khát không có gas và kem với thương hiệu Vibev. Tổng vốn đầu tư ban đầu là 400 tỷ đồng, trong đó Kido góp 194 tỷ đồng tương đương 49% vốn.

Sau khi thông báo triển khai dự án bán lẻ theo chuỗi thông qua thỏa thuận với một đối tác, Tập đoàn Kido đã có động thái ban đầu.

Theo nội dung tờ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 mới công bố, Kido dự kiến tái cấu trúc hoạt động kinh doanh theo hướng công ty mẹ đảm nhận khâu phân phối các sản phẩm dầu ăn, kem, bánh kẹo, cà phê và các sản phẩm thiết yếu khác ra thị trường qua tất cả kênh bán hàng trong và ngoài nước.

Còn các công ty thành viên trong Tập đoàn gồm Dầu Tường An, Dầu Thực vật Việt Nam, Thực phẩm Đông lạnh Kido, Kido Nhà Bè... chủ yếu thực hiện việc sản xuất sản phẩm và bán cho công ty mẹ.

Khi đó, các giao dịch gồm mua bán nguyên vật liệu, hàng hóa, thành phẩm, vật tư, bao bì, dịch vụ; chia sẻ chi phí; vay, cho vay, hợp tác kinh doanh trên cơ sở tối ưu hóa dòng tiền và hoạt động tài chính của các bên liên quan sẽ được ủy quyền cho HĐQT hoặc Chủ tịch HĐQT công ty quyết định.

Về tình hình kinh doanh, trong vài năm gần đây, doanh thu của Kido thu về hàng nghìn tỷ. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2018 là 7.609 tỷ đồng tăng 8,4% so với năm 2017 (7.016 tỷ đồng). Tuy nhiên, lãi sau thuế năm 2018 chỉ đạt 148 tỷ trong khi đó năm 2017 đạt 440 tỷ đồng.

Năm 2020, Kido đạt doanh thu thuần 8.324 tỷ đồng, mang về 416 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 38,2% và 91,5% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế tăng 59% so với năm trước đạt 330 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu thuần tăng 38%, đạt 11.500 tỷ đồng. Khi đó, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt mức 800 tỷ đồng, tăng 92,3% so với năm 2020.

Riêng trong quý I, Tập đoàn Kido đã công bố doanh thu thuần đạt 2.322 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dầu ăn là mảng quan trọng nhất với tỷ trọng đóng góp lên đến 87%, còn kem và các ngành hàng thực phẩm khác chiếm 13%.

Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của Kido tăng đến 182% so với quý I/2020, đạt 135 tỷ đồng. Đây là mức lãi cao nhất trong một quý của doanh nghiệp trong hơn 3 năm qua, từ quý III/2017. Kết thúc quý I/2021, tổng tài sản của Kido đạt 12.938 tỷ đồng.

Thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ đạt quy mô gần 350 tỷ USD vào năm 2025, gấp 1,6 lần hiện tại trong đó kênh bán lẻ hiện đại sẽ chiếm 50%. Vì vậy, ngành bán lẻ đã trở thành một mảng đầu tư mới hấp dẫn các “ông lớn” cả trong và ngoài nước tham gia.

Cuối tháng 4/2021, Nova Group của ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch tập đoàn Novaland lấn sân mảng tiêu dùng khi bất ngờ cho "chào sân" thành viên mới Nova Consumer để phát triển mảng thực phẩm, thức uống, dinh dưỡng. Ngay lập tức, Nova Consumer đã thâu tóm PhinDeli. Được biết, PhinDeli từng là mục tiêu của Kido khi tập đoàn này muốn bước chân vào thị trường cà phê, khai thác thị trường nội địa và xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, thương vụ này đã bất thành do Kido vướng triển khai hợp tác với Mondelēz, do đó PhinDeli không còn là ưu tiên.

Một thương vụ mới đây cũng gây nhiều chú ý khi Công ty TNHH The Sherpa, thành viên của Masan Group đã mua lại 20% cổ phần thương hiệu Phúc Long để cùng phát triển mô hình Kiosk Phúc Long thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc.

Hay Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) mua lại toàn bộ mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam của Tập đoàn Emart (Hàn Quốc).

Ngoài ra, thương hiệu ngoại, Café Amazon – ông lớn Thái Lan – đầu năm nay chính thức gia nhập thị trường Việt Nam và tuyên bố sẽ phủ khắp từ năm 2021.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến