Dòng sự kiện:
Tiền đầu cơ chảy mạnh
16/08/2022 16:33:50
Nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh giảm sút, thậm chí thua lỗ nhưng cổ phiếu vẫn tăng giá mạnh trong thời gian gần đây.

Dòng tiền đang có dấu hiệu tập trung vào các cổ phiếu nhỏ.

Cổ phiếu tăng mạnh không nhờ yếu tố cốt lõi

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp cơ bản đã hoàn thành việc công bố báo cáo tài chính bán niên 2022 sau soát xét, bức tranh kinh doanh 6 tháng đầu năm đã được hé lộ. Tuy vậy, diễn biến thị trường chứng khoán gần đây cho thấy một nghịch lý, đó là nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm thì giá cổ phiếu lại đi xuống, hoặc đi ngang. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp ra tin xấu về kết quả kinh doanh thì cổ phiếu tăng mạnh.

Từ đầu tháng 7 đến nay, giá cổ phiếu DBC tăng hơn 32%, trong khi Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II giảm 93% so với cùng kỳ.

Từ đầu tháng 7 đến nay, thị giá cổ phiếu DBC (của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam) tăng hơn 32%. Động lực chính giúp cổ phiếu tăng trưởng không đến từ kết quả kinh doanh khi trong quý II, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 14,3 tỷ đồng, giảm 93% so với cùng kỳ 2021.

Dabaco cho biết, quý vừa qua, cũng như hầu hết các doanh nghiệp khác trong ngành, Công ty phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khi chi phí sản xuất, giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá bán sản phẩm tăng không đáng kể. Mặt khác, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi và tái đàn khiến kết quả kinh doanh của các đơn vị chăn nuôi giảm mạnh, ảnh hưởng chung toàn Tập đoàn.

Tương tự, cổ phiếu HAG (của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai) cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Công ty vừa công bố kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng mạnh, với doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.233 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 272 tỷ đồng, lần lượt tăng 126,7% và 254% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, thực chất khoản lãi của HAG đến từ hoàn nhập 823 tỷ đồng dự phòng các khoản phải thu, giúp Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương.

Cổ phiếu PTL (của Công ty cổ phần Victory Capital) cũng nằm trong nhóm có diễn biến giá ngược chiều với kết quả kinh doanh. Hơn một tháng qua, giá cổ phiếu PTL đã tăng hơn 48%, lên mức 6.580 đồng/cổ phiếu vào cuối phiên giao dịch 10/8, trước khi điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần qua. Đặc biệt, từ phiên giao dịch ngày 3/8, cổ phiếu PTL đã tăng trần 5 phiên liên tiếp, bất chấp cổ phiếu có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc do báo cáo tài chính năm 2019, 2020, 2021 đều có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên.

Quý II vừa qua, doanh thu của Công ty chỉ đạt gần 10,3 tỷ đồng, giảm gần 75% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu đến từ hoạt động cho thuê văn phòng, doanh thu khai thác cơ sở hạ tầng tòa nhà Victory Tower và doanh thu hoạt động tài chính của các khoản tiền gửi ngân hàng… Nguồn thu không đủ bù đắp chi phí nên Công ty báo lỗ 2,44 tỷ đồng.

Trong quý II, Chứng khoán VNDirect thống kê, lợi nhuận ròng của các công ty chứng khoán giảm sâu 93,5% so với cùng kỳ do sự suy giảm của chỉ số và thanh khoản thị trường. Do đó, hầu hết các công ty chứng khoán đều ghi nhận lợi nhuận giảm sút.

Tuy nhiên, Công ty cổ phần Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (mã VIG) lại được đánh giá là có sự tiến bộ khi mang về 1,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (cùng kỳ năm 2021 lỗ 3,3 tỷ đồng). Trước đó, tình hình kinh doanh của VIG cũng chưa có nhiều khởi sắc với số lãi “èo uột”. Tại thời điểm cuối quý II, công ty chứng khoán này còn lỗ lũy kế hơn 165 tỷ đồng. Tuy nhiên, cổ phiếu VIG lại ngược dòng kết quả kinh doanh khi tăng tới hơn 48% trong hơn một tháng qua.

Dựa vào những câu chuyện riêng

Sau một thời gian dài sụt giảm về quanh mức 10.000 tỷ đồng/phiên, thanh khoản trên sàn HOSE đã hồi phục về vùng 20.000 tỷ đồng/phiên trong những phiên gần đây cùng với đà tăng của chỉ số. Tuy vậy, dòng tiền đang có dấu hiệu đầu cơ khi tập trung vào các cổ phiếu nhỏ, thậm chí của những doanh nghiệp kinh doanh yếu kém, giúp các cổ phiếu này xác lập đà tăng vượt trội so với thị trường chung cũng như các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Nhà đầu tư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong giai đoạn thị trường hiện nay, tiêu chí lựa chọn cổ phiếu của nhà đầu tư này là dựa trên những “câu chuyện riêng”, còn lại không quá quan trọng việc doanh nghiệp có “ăn nên làm ra” hay không.

Trong trường hợp của Dabaco và Hoàng Anh Gia Lai - hai đơn vị sản xuất thịt lợn, giới đầu tư đặt kỳ vọng vào việc giá thịt lợn tăng, trong khi giá nguyên liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi thế giới đi xuống rất mạnh sẽ tác động tốt đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong các quý tới, tạo động lực cho giá cổ phiếu phản ánh trước kỳ vọng.

Trong báo cáo phân tích gần đây, Chứng khoán VNDirect nhận định, dựa trên báo giá hàng hóa trên thế giới, kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm, giá hàng hóa sẽ giảm khoảng 6 – 10% so với 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhóm nghiên cứu, giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới, chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao trong quý III/2022 và hạ nhiệt dần trong quý IV/2022.

“Nhà đầu tư nên thận trọng và chọn lọc giữa các cổ phiếu sản xuất thịt do chúng tôi cho rằng triển vọng tích cực phần lớn đã được phản ánh vào giá”, VNDirect khuyến nghị.

Đối với trường hợp của Victory Capital, việc giá cổ phiếu tăng bất chấp nhiều thông tin tiêu cực là nhờ kỳ vọng kế hoạch phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu (dự kiến triển khai trong quý III và quý IV/2022), cao hơn 50% thị giá hiện tại của cổ phiếu sẽ hỗ trợ cho đà tăng của PTL.

Theo thông tin được công bố, trong đợt phát hành này, Công ty cổ phần Grand House, một nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua 30 triệu cổ phiếu, Công ty cổ phần KoKo Capital mua vào 20 triệu cổ phiếu, còn lại là các nhà đầu tư cá nhân khác.

Tương tự, kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn cũng là lý do tác động đến giá cổ phiếu VIG tăng trong thời gian qua. Theo đó, VIG sẽ chào bán 34,1 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1:1 cho 11 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, giá 10.000 đồng/cổ phiếu (cao hơn mức giá đóng cửa ngày 10/8/2022 là 9.000 đồng/cổ phiếu). Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long mua 8 triệu đơn vị, các cá nhân còn lại mua từ 1 - 3,1 triệu đơn vị.

Với hơn 2 triệu tài khoản được mở mới trong 7 tháng đầu năm, (trong khi cả năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới 1,53 triệu tài khoản), bên ngoài thị trường luôn có một dòng tiền mới chực chờ để tìm kiếm những cơ hội đầu tư hấp dẫn, dù cổ phiếu không dựa trên yếu tố cơ bản, mang tính đầu cơ cao.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco, khi nào trên thị trường chứng khoán cũng tồn tại yếu tố đầu cơ, dù thị trường đi xuống hay đi lên. Nhưng thời gian gần đây, dòng tiền đầu cơ đang luân chuyển giữa các nhóm ngành có câu chuyện riêng, mặc dù các ngành này chưa hiện thực hóa bằng lợi nhuận của doanh nghiệp.

“Đầu tư cổ phiếu thời điểm này, nhà đầu tư cần xác định dòng tiền đang luân chuyển liên tục giữa các nhóm ngành. Nếu chạy theo sóng đầu tư công hoặc sóng nới room tín dụng, khi những thông tin trên được xác định không như kỳ vọng, dòng tiền sẽ nhanh chóng chuyển sang các nhóm ngành khác khiến nhà đầu tư dễ bị kẹp vốn”, ông Khoa lưu ý.

Tác giả: Kiều Trang

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến