Dòng sự kiện:
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước vẫn rất chậm
04/06/2023 06:12:34
Bộ Tài chính vừa có báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước 4 tháng và ước thực hiện 5 tháng kế hoạch năm 2023. Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022.

Ước 5 tháng giải ngân đạt trên 20% kế hoạch

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2023 của cả nước từ đầu năm đến hết tháng 4/2023 đạt trên 110.526 tỷ đồng, đạt 14,63% kế hoạch (trên 755.334 tỷ đồng, bao gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao trên 707.044 tỷ đồng và kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương triển khai tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trên 48.290 tỷ đồng) và đạt 15,63% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 15,12% kế hoạch và đạt 16,36% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

5 tháng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước vẫn đạt thấp. Ảnh minh họa

Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/5/2023 là trên 157.095 tỷ đồng, đạt 20,8% kế hoạch, đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 ước 5 tháng đang giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 (22,37%).

Hiện có 8 bộ và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Tiền Giang (45,89%), Đồng Tháp (44,28%), Long An (40,06%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (40,04%).

Đáng chú ý, vẫn còn 39 bộ và 16 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 bộ và 5 địa phương chỉ giải ngân được dưới 10% kế hoạch vốn.

Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng chỉ ra những nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân. Theo đó, ngoài những nguyên nhân đã được nêu ra sau khi tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 tổ công tác của Chính phủ tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, vẫn còn một số tồn tại ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, một số dự án phải điều chỉnh phương án kết cấu để đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy của Bộ Công an; ảnh hưởng của chiến tranh Ukraine - Nga đến chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến chậm nhập khẩu các vật tư, thiết bị kỹ thuật của một số dự án; đồng thời cũng làm tăng giá đột biến nhiên liệu, vật liệu và thiết bị đầu vào, gây ra khó khăn cho các nhà thầu.

Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Ảnh minh họa: H.T

Đối với dự án đầu tư xây dựng tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, do có sự khác nhau giữa pháp luật sở tại và pháp luật Việt Nam nên công tác chuẩn bị đầu tư, công tác triển khai hồ sơ thiết kế thường kéo dài hơn rất nhiều so với dự án trong nước. Tình hình lạm phát toàn cầu, biến động về tỷ giá quy đổi thanh toán giữa Việt Nam đồng và đô la Mỹ ảnh hưởng trực tiếp đến dự toán gói thầu đã được phê duyệt và công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn.

Do đó, để đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính đang tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể về điều kiện bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có cơ sở thống nhất thực hiện.

Đồng thời, Bộ Tài chính đang tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện nghiêm túc các kết luật của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; đặc biệt, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần khắc phục triệt để các nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo

Tại Thông tư số 15/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công (có hiệu lực thi hành từ ngày 5/4/2021), trong đó quy định: “Trước ngày 15 của tháng báo cáo, các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh báo cáo tình hình thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công hàng tháng theo Mẫu số 01/TTKHN và các biểu mẫu kèm theo thông tư này gửi Bộ Tài chính”.

Đến thời điểm báo cáo, Bộ Tài chính mới nhận được báo cáo định kỳ tình hình giải ngân tháng 5/2023 của 26 bộ, cơ quan trung ương và 42 địa phương.

Các bộ, cơ quan trung ương đã gửi báo cáo gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Hội Luật Gia Việt Nam; Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Bộ Ngoại giao; Hội Nhà văn Việt Nam; Văn phòng Quốc hội; Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ban Quản lý Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Thông tin Truyền thông; Bộ Lao động, Thương binh và xã hội; Đài Truyền hình Việt Nam; Hội Nhà Báo; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao).

21 địa phương chưa gửi báo cáo gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau.

Theo đó, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo để Bộ Tài chính nắm được tiến độ giải ngân của từng dự án, từ đó có những tham mưu với Chính phủ tháo gỡ khó khăn, đưa tiến độ giải ngân được nhanh hơn trong những tháng tiếp theo.

Tác giả: Vân Hà

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến