Dòng sự kiện:
Tiền lẻ, tiền mới lại 'nóng'
29/12/2021 08:10:35
Hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch là hành vi trái pháp luật, nhưng càng gần Tết Nguyên đán, nhiều trang web, facebook cá nhân lại rầm rộ quảng cáo dịch vụ nhận đổi tiền mới, tiền lẻ.

Trên mạng điện tử ngập tràn hình ảnh quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ (Ảnh: Dũng Minh)

Nơi im lìm, nơi náo nhiệt

Cuối tuần qua, đứa em nhắn tin: “Năm nay, chị nhớ đổi tiền mới giúp em. Em đổi ít thôi, chỉ cần 10 triệu tiền 50.000 và 4 triệu tiền 20.000”.

Ướm thử một đồng nghiệp, cậu chốt luôn: “Khó khăn cả năm nhưng để chuẩn bị tâm thế đón năm mới với những điều tốt đẹp cho mình và mọi người, công ty gia đình vợ em vẫn có tiền thưởng cho nhân viên đón Tết, nên chị đổi giúp 50 triệu tiền mới loại 100.000, 60 triệu loại 50.000 và 40 triệu loại 20.000”.

Điện thoại cho cô em họ hỏi thăm: “Năm nay dịch bệnh, hạn chế tụ tập đông người, chắc cô được mẹ chồng miễn cho khoản đổi tiền mới, tiền lẻ nhỉ”. Cô em giãy nảy: “Ôi chị, mẹ chồng đã chuyển tiền vào tài khoản cho em. Chị chú ý đổi giúp, bên cạnh các mệnh giá 20.000, 50.000 và 100.000 là các mệnh giá bé 1.000, 2.000, 5.000, để mẹ chồng em đi lễ. Đổi được chút nào là báo ngay cho em nhé”.

Từ năm 2013 tới nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ (từ 5.000 đồng trở xuống) vào lưu thông. Việc không phát hành tiền mới in vào dịp Tết giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, nhờ tiết giảm chi phí in, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, phân loại, kiểm đếm...

Liên lạc với nhân viên một số ngân hàng thương mại thì được biết, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang cung cấp đủ số lượng, cơ cấu tiền các mệnh giá hợp lý và cần thiết cho các tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo lưu thông, nhưng chưa có thông tin về việc đổi tiền lẻ, tiền mới cho dịp Tết.

Thực tế, nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước siết chặt quản lý việc đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ trong dịp Tết Nguyên đán, song trên mạng điện tử, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới của các cá nhân luôn náo nhiệt.

Bên cạnh các website là hàng loạt trang facebook cá nhân nhận đổi tiền mới, tiền lẻ với cam kết phí rẻ, tiền mới 100%, nguyên seri, nguyên đai, nguyên cọc, đầy đủ các mệnh giá 1.000, 2.000, 5.000, 10.000, 20.000, 50.000, 100.000... và nhận đổi tại nhiều khu vực như Hà Nội, TP.HCM, Biên Hòa, Bình Dương. Người muốn đổi tiền chỉ cần tra cứu trên mạng cụm từ “đổi tiền mới, tiền lẻ, tiền lì xì” là biết được địa chỉ đáp ứng nhu cầu.

Những năm trước, mức phí đổi tiền lẻ, tiền mới được các trang facebook công khai, nhưng vài năm gần đây, khách hàng có nhu cầu phải “inbox” (trao đổi riêng) mới biết. Tiền có mệnh giá càng nhỏ thì phí đổi càng cao. Cụ thể, mệnh giá 1.000 đồng có phí từ 12 - 15%, loại 2.000 đồng và 5.000 đồng có phí 4%...

Nhìn chung, dịch vụ đổi tiền vẫn được quảng cáo rầm rộ trên mạng, bất chấp quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 30, Nghị định 88/2019/NĐ-CP, hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền 20 - 40 triệu đồng đối với cá nhân và mức phạt sẽ tăng gấp đôi với tổ chức vi phạm.

Cơ quan quản lý đảm bảo cơ cấu mệnh giá tiền mặt hợp lý

Liên quan đến công tác tiền mặt, mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành Văn bản số 8751/NHNN-TT đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt công tác thanh toán dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán 2022.

Cụ thể, cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh đảm bảo hoạt động của các hệ thống thanh toán, các dịch vụ thanh toán ổn định, an toàn và liên tục.

Các ngân hàng chỉ đổi tiền mới, tiền lẻ cho một số khách hàng, trong khi nhu cầu về loại tiền này của người dân trong dịp Tết rất lớn, dẫn đến dịch vụ đổi tiền bên ngoài nở rộ.

Đồng thời, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022 (bao gồm kế hoạch tiền mặt cho ATM, tiếp quỹ ATM, nhân sự cho ATM, bảo trì, bảo dưỡng ATM...); giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ kịp thời đối với các ATM hết tiền; có biện pháp xử lý, ứng phó kịp thời các sự cố, tình huống phát sinh đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt (đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn); hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vướng mắc của khách hàng trong quá trình giao dịch qua ATM, ưu tiên xử lý nhanh chóng đối với các trường hợp ATM nuốt thẻ.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng có biện pháp ứng phó phù hợp đối với ATM tại các địa bàn có khả năng xảy ra hiện tượng quá tải do nhu cầu giao dịch của khách hàng tăng đột biến (khu công nghiệp, khu chế xuất...), hoặc các địa bàn không có ATM và chi nhánh ngân hàng. Chẳng hạn, tăng cường hoạt động ATM lưu động, chủ động làm việc với các doanh nghiệp để điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý, triển khai giải pháp thay thế ATM (chi trả tiền mặt tại bàn/quầy lưu động, chi trả qua máy POS của ngân hàng...).

Ngoài ra, chủ động cung cấp thông tin, quảng bá, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử nhằm giảm tải việc rút tiền mặt tại ATM cũng như góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có thể diễn biến phức tạp.

Tại hội nghị trực tuyến về công tác tiền mặt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá, thời gian qua, ngành ngân hàng cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế, cơ cấu mệnh giá đồng tiền tương đối đáp ứng được nhu cầu thanh toán thực tế.

Dẫu vậy, ông Tú yêu cầu các đơn vị cần xác định công tác quản lý tiền mặt, công tác an toàn kho quỹ là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động ngân hàng. Ngành ngân hàng phải bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt cho nhu cầu của nền kinh tế với khối lượng, cơ cấu mệnh giá đồng tiền phù hợp, đặc biệt trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022.

“Nhiệm vụ này đòi hỏi trách nhiệm của lãnh đạo tất cả các đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Mặt khác, việc quản lý tiền mặt không chỉ là trách nhiệm của riêng Ngân hàng Nhà nước, mà còn của tất cả các tổ chức tín dụng. Cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý tiền mặt trong toàn ngành, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định, cơ chế liên quan đến vấn đề quản lý kho quỹ, tiền mặt cho phù hợp với thực tiễn hơn, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào lĩnh vực này, đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho lưu thông, đảm bảo cơ cấu mệnh giá hợp lý và cần thiết”, Phó thống đốc nhấn mạnh.

Tác giả: Nhuệ Mẫn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến