Vàng hưởng lợi khi rủi ro vỡ nợ của chính phủ Mỹ tăng cao. Ảnh: Bloomberg.
Theo Bloomberg, nguy cơ vỡ nợ của Mỹ đang lớn hơn bao giờ hết. Bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Mỹ - cảnh báo rằng nước này có thể vỡ nợ ngay sau ngày 1/6, nếu các nhà lập pháp không nới giới hạn nợ công. Trong khi đó, những cuộc đàm phán về việc nới trần nợ vẫn đang bế tắc.
Kịch bản vỡ nợ có thể làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, vàng vẫn là kênh trú ẩn lâu đời và an toàn nhất.
Theo khảo sát Markets Live Pulse mới nhất của Bloomberg, kim loại quý đến nay vẫn là lựa chọn hàng đầu cho những ai muốn đề phòng rủi ro Mỹ vỡ nợ.
Hơn một nửa chuyên gia tài chính khẳng định sẽ mua vàng nếu chính phủ Mỹ không thể trả nợ.
Đáng chú ý, các nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn thay thế. Theo cuộc khảo sát, tài sản phổ biến thứ 2 trong trường hợp Mỹ vỡ nợ là trái phiếu kho bạc Mỹ. Trớ trêu thay, đây chính là loại tài sản mà chính phủ Mỹ không thể thanh toán đúng hạn.
Dù vậy, ngay cả những người bi quan cũng tin rằng các trái chủ của chính phủ Mỹ vẫn sẽ được thanh toán, chỉ là thanh toán muộn. Trong cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng trước đó, trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn phục hồi dù Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm.
Một số người đổ tiền vào các loại tiền trú ẩn truyền thống như yen Nhật và franc Thụy Sĩ. Nhưng những đồng tiền này đều không phổ biến bằng USD.
Bitcoin cũng được coi là một tài sản trú ẩn. Nhiều người ủng hộ cho rằng đồng tiền này là một dạng vàng kỹ thuật số.
Khoảng 60% người tham gia cuộc khảo sát của MLIV Pulse tin rằng rủi ro lần này lớn hơn hồi năm 2011 - cuộc khủng hoảng trần nợ nghiêm trọng nhất lịch sử.
"Hồi 2011, do những bế tắc về trần nợ, thị trường chứng khoán đã mất 17% giá trị trong hơn một năm. Theo báo cáo của Moody’s, tình trạng bất ổn đã thổi bay 1,2 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,7 điểm phần trăm, nền kinh tế thu hẹp 180 tỷ USD so với kịch bản không có nguy cơ vỡ nợ", giới doanh nhân Mỹ viết trong một lá thư cảnh báo gửi tới các nhà lập pháp nước này.
Hiện nay, thông qua các hợp đồng hoán đổi nợ xấu, chi phí bảo hiểm đối với trường hợp vỡ nợ đã tăng mạnh, thậm chí vượt những giai đoạn trước, dù đa số nhà đầu tư được khảo sát vẫn tin rằng khả năng vỡ nợ thực tế là tương đối thấp.
"Rủi ro cao hơn trước do sự phân cực giữa cử tri và Quốc hội Mỹ", Bloomberg dẫn lời ông Jason Bloom - Trưởng bộ phận Thu nhập cố định tại Invesco - bình luận. Do đó, hai bên có thể không kịp thời đưa ra một thỏa thuận chung.
Trên thực tế, vàng đã tăng giá khá mạnh từ đầu năm đến nay. Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng trên toàn cầu thúc đẩy dòng tiền chảy vào vàng. Nhu cầu tại Trung Quốc cũng gia tăng trở lại.
Tác giả: Thảo My
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy