Dòng sự kiện:
Tiếng còi câm
28/03/2018 11:00:35
Mỗi ngày, tôi đi về hai lượt trên đường vành đai 3 trên cao của Hà Nội. Một con đường cao tốc chỉ dành cho ô tô. Mỗi chiều có hai làn đường và một vai đường – làn hẹp nằm phía ngoài cùng bên phải dành riêng cho nhữn

Vai đường, nếu được sử dụng đúng như chức năng của nó, thì thường là nơi “tẻ nhạt” nhất của một con đường cao tốc. Nhưng trên đường vành đai 3 trên cao vào những lúc đường đông, đây lại trở thành nơi sôi động nhất. Tôi thường xuyên giật mình bởi một chiếc xe nào đó lao vút lên từ phía sau trên phần vai đường. Ở những chỗ gần lối lên và lối thoát, thỉnh thoảng xuất hiện những bến cóc trên cao, nơi xe khách đường dài tranh thủ đón trả khách. Và trước đây, khi lực lượng chức năng chưa can thiệp, mỗi tối có những hàng dài xe container đỗ nối đuôi nhau trên vai đường đợi qua “giờ giới nghiêm” để đi vào thành phố. Khi đường tắc, xe cộ nhanh chóng “điền vào chỗ trống” để nhích về phía trước được sớm chừng nào, tốt chừng ấy.

Đó chính là điều đã xảy ra trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ ngày 18/3 vừa qua. Một vụ tai nạn nghiêm trọng khiến con đường tắc dài, các phương tiện giao thông nhanh chóng chiếm chỗ trên làn khẩn cấp. Xe cứu hỏa cần tiếp cận hiện trường để cứu nạn không còn đường đi. Họ lựa chọn một phương án liều lĩnh: đi ngược chiều trên đường cao tốc.

Cứu hộ cứu nạn là một nghề không chỉ đòi hỏi thể lực, mà còn thách thức cả trí lực. Vài năm trước, tôi đứng ở hiện trường một vụ tai nạn thảm khốc. Chiếc xe bus khi rẽ ở ngã tư đã ủi một cô gái xuống dưới gầm. Đó là một đêm yên tĩnh, thi thoảng mới có một chiếc xe chạy qua. Từ dưới gầm xe bus, không một tiếng kêu cứu, không một tiếng động nào cho thấy còn sự sống.

Xe cứu hỏa đến đầu tiên. Xe cảnh sát và cứu thương đến sau đó ít phút. Nhưng các nhân viên y tế cũng chỉ biết đứng nhìn bất lực khi nạn nhân đang nằm dưới gầm xe. Mọi sự đều trông chờ vào những người lính cứu hỏa.

Nếu chiếc xe bus to lớn là một tảng đá nặng thì tính mạng nạn nhân là quả trứng nằm dưới tảng đá đó. Việc bẩy tảng đá mà không ghè vỡ quả trứng là nhiệm vụ rất khó khăn. Họ không thể kích xe lên theo cách thông thường. Tôi không thể đến quá gần để biết họ đã làm theo cách nào, chỉ thấy họ hối hả chạy qua chạy lại giữa chiếc xe bus và xe cứu hỏa, lấy ra các thiết bị khác nhau và đặc biệt là rất nhiều khối gỗ hình vuông dài, được kết chùm vào nhau như những bó củi. Vài người lính chui hẳn xuống dưới gầm xe để thao tác, những người khác lăn lê quanh chiếc xe kê chỗ này, chèn chỗ kia. Họ làm việc vừa gấp gáp lại vừa tỉ mỉ, vừa phải thần tốc lại không được phép có chút sai sót nào.

Và bằng một cách nào đó, nạn nhân được đưa ra khỏi gầm xe bus trên một chiếc băng ca. Cô ấy còn sống. Nhiệm vụ sau đó là thuộc về các nhân viên y tế trên chiếc xe cấp cứu.

Nhưng điều khiến tôi nhớ nhất là hình ảnh các chiến sĩ cứu hỏa ngay lúc đó. Họ cởi các lớp áo và ngồi bệt xuống đất. Giữa trời đêm đông lạnh buốt, tôi thấy lớp áo thun mỏng duy nhất còn lại trên người họ ướt sũng. Mồ hôi chảy thành dòng trên cổ, trên thái dương. Không ai nói với ai với ai câu nào. Một sự kiệt sức hiện ra trên gương mặt họ. Không phải kiệt sức về thể lực, mà về tinh thần. Nhưng họ đã chiến thắng thần chết.

Chiếc xe cứu hỏa trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ ngày hôm ấy cũng đang hối hả cuộc chạy đua với thần chết. Nhưng họ đã thua trước cả khi tiếp cận được hiện trường. Họ đã đổ máu trước khi đổ mồ hôi.

Nguyên nhân do người điều khiển xe cứu hỏa quá chủ quan và liều lĩnh, hay do người lái xe khách đã nhận biết có xe ưu tiên từ xa nhưng không nhường, đã có rất nhiều người phân tích và tranh luận trong khi chờ đợi kết luận của cơ quan điều tra.

Nhưng có một sự thật hiển nhiên lúc này: đã có những người lính hy sinh khi làm nhiệm vụ. Theo thống kê của Cơ quan Quản lý Hỏa hoạn Hoa Kỳ USFA, cứ 4-5 lính cứu hỏa hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thì có một người lính hy sinh do tai nạn giao thông trên đường di chuyển. Nghĩa là mỗi lần lao mình lên chiếc xe ấy, hú còi, vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, là họ cũng tự hiểu đang dấn thân vào hiểm nguy.

Họ đặt sự an toàn của bản thân không chỉ vào tay người cầm lái, mà còn vào ý thức và sự hợp tác của người đi đường. Nhưng điều tôi vẫn thường chứng kiến trên đường là những chiếc xe cứu hỏa hú còi và nháy đèn hối hả trong sự dửng dưng của xe cộ đi xung quanh. Giữa những hồi còi là tiếng loa đọc đích danh từng chiếc biển số phía trước để yêu cầu nhường đường. Tôi nhận thấy họ quá đơn độc.

Hãy nghe lời kể của một người chiến sĩ cứu hỏa có mặt ở đó: “Có ai thấu hiểu được nỗi đau của tôi, của đồng đội tôi, khi bất lực ôm đồng đội máu me đầy người kêu khóc nghẹn cổ nhờ mọi người dừng xe để đưa đồng đội tôi đi viện. Nhận lại là gì? Là sự hờ hững vô tâm đến đáng sợ. Từng xe, từng xe cứ vội vàng lăn bánh mặc cho những dòng nước mắt của tôi và đồng đội vẫn rơi và máu của đồng đội tôi vẫn cứ chảy".

Camera giao thông của đường cao tốc ghi lại được hình ảnh của vụ tai nạn ấy. Đoạn clip đã khơi mào cho một làn sóng chỉ trích của dư luận. Tôi đã đọc được những comment lạnh lùng, vô cảm, đáng sợ không kém gì thái độ thờ ơ vô tâm của những chiếc xe vội vàng lăn bánh qua những người lính cứu hỏa đang bị thương chiều hôm đó.

Cái mà camera không ghi lại được là tiếng kêu khóc nghẹn cổ của những người lính cứu hỏa. Sự vô cảm át đi không chỉ tiếng kêu khóc, mà cả những tiếng còi xe ưu tiên có cường độ lên tới 130 db.

"Chúng tôi đổ máu, chúng tôi hi sinh để nhận lấy sự thờ ơ vô tâm của mọi người" - người lính cứu hỏa viết.

Trần Hương Thùy/VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến