Dòng sự kiện:
Tiếp tục siết kỷ luật ngân sách, kiểm soát chặt chi tiêu công
22/04/2021 10:10:06
Để thực hiện dự toán, bên cạnh nhiệm vụ thu, Bộ Tài chính luôn tăng cường kỷ luật ngân sách, kiểm soát chặt chi tiêu công. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Bộ Tài chính cần tiếp tục coi đây là nhiệm vụ hàng đầu.

Trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn, Bộ Tài chính vẫn đê xuất Chính phủ nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Chỉ có tăng cường kỷ luật ngân sách mới có nguồn dư dả chi cho các nhiệm vụ cấp bách, tránh ảnh hưởng tới ngân khố quốc gia.

Tiết kiệm chi tiêu trên mọi lĩnh vực

Ở thời điểm năm 2020, áp lực chi ngân sách là rất lớn, khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp quản lý thu ngân sách, Bộ Tài chính đã đề xuất một loạt các giải pháp nhằm quản lý chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả. Tiết kiệm là giải pháp mà ở thời điểm nào cũng rất cần thiết. Hàng loạt phương án tiết kiệm được đưa ra lúc đó, như: cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020… Trong thực hiện, nhiều địa phương cũng đã có cách làm hay, sáng tạo và tiết kiệm thêm được từ nguồn chi đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Đồng thời, yêu cầu các địa phương chủ động điều hành ngân sách địa phương, trường hợp hụt thu thì phải chủ động sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác và cắt giảm các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN).

Nhờ đó, tổng số kinh phí đã cắt giảm, tiết kiệm được của ngân sách trung ương trong năm 2020 lên tới 49,3 nghìn tỷ đồng. Số tiền miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, các khoản phí, lệ phí cũng lên tới hơn 111 nghìn tỷ đồng. Số chi ra từ NSNN là gần 17 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân. Thống kê mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, trong tổng số gần 17 nghìn tỷ đồng, đã hỗ trợ 1.528 tỷ đồng cho hơn 1.000 người có công; gần 6.000 tỷ đồng cho hơn 7,9 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo; chi gần 4.300 tỷ đồng cho hơn 2,8 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng.

Trong quản lý chi ngân sách đã tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế - xã hội. Ngay từ đầu năm ngân sách, Bộ Tài chính đều có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện dự toán chi NSNN với những yêu cầu chặt chẽ về thời gian, nội dung phân bổ và tổ chức thực hiện dự toán, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, đạt mục tiêu đề ra. Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm kinh phí NSNN, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế chi mua sắm xe ô tô công, thiết bị đắt tiền, tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội, khánh tiết, công tác nước ngoài; sử dụng dự phòng ngân sách các cấp đúng mục đích.

Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính - NSNN cũng được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, chống thất thu, thất thoát, lãng phí NSNN. Minh chứng là những năm qua, hàng trăm nghìn cuộc thanh tra chuyên ngành được thực hiện, tăng thu về cho ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm (năm 2019 thu về ngân sách hơn 25 nghìn tỷ đồng; năm 2020 là gần 22 nghìn tỷ đồng).

Tiết kiệm triệt để chi thường xuyên

Trả lời phỏng vấn TBTCVN, nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao những nỗ lực trong suốt thời gian qua của ngành Tài chính trong cơ cấu lại thu chi NSNN. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, những năm qua nhiệm vụ chi NSNN được kiểm soát trong phạm vi thu ngân sách và giảm dần mức bội chi. Việc triển khai quản lý, điều hành chi NSNN theo Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm cuốn chiếu đã thu được kết quả tích cực, góp phần tăng cường công khai, minh bạch và tạo chủ động cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

Nhiều năm nay, Bộ Tài chính đã nhất quán thực hiện theo đúng định hướng đó, chỉ ban hành mới chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn đảm bảo. Để tiết kiệm chi ngân sách, Bộ Tài chính đã từng bước thực hiện phương thức nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu, khoán kinh phí nghiên cứu khoa học đến sản phẩm cuối cùng; tiếp tục cải cách công tác kiểm soát chi NSNN theo hướng thống nhất quy trình, tập trung đầu mối, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước, đơn vị sử dụng NSNN. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát chi, quản lý thu NSNN.

Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh nhận định, nếu chi ngân sách lãng phí, hiệu quả thấp thì không chỉ làm mất ý nghĩa của những nỗ lực thu NSNN, mà còn tác động tới động lực thu và cơ sở tăng thu NSNN một cách bền vững.

Có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính – ngân sách, ông Vũ Đình Ánh luôn quan tâm tới việc cơ cấu lại chi ngân sách. Ông lý giải, cần thực hiện cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tiết kiệm và hiệu quả hướng tới mục tiêu cân đối NSNN, thực hiện đồng bộ với cơ cấu lại thu NSNN. “Cùng với cơ cấu lại chi tiêu công nói chung, chi NSNN nói riêng có rất nhiều nội dung, trong đó nên tập trung giảm tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi NSNN gắn với cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách định mức chi thường xuyên và thực hành tiết kiệm chi thường xuyên một cách triệt để”, TS. Vũ Đình Ánh cho hay.

Tiết kiệm để tăng chi cho con người

Một số đại biểu Quốc hội chia sẻ rằng, Chính phủ, Bộ Tài chính đã rất thành công khi cơ cấu lại chi ngân sách, nổi bật là giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển. Minh chứng là, trong bối cảnh quy mô chi NSNN so với GDP giảm vì bội chi NSNN giảm nhưng tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển bố trí tăng từ mức 25,7% năm 2017 lên 29% năm 2020.

Đáng khích lệ đó là đã giảm dần tỷ trọng dự toán chi thường xuyên, từ mức 64,9% tổng chi NSNN năm 2017 xuống 63,1% năm 2020 trong điều kiện hàng năm tăng lương cơ sở, lương hưu (đối tượng do NSNN bảo đảm) và trợ cấp người có công khoảng 7%, thực hiện các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở tăng tương ứng, tăng chi an ninh, quốc phòng...

Giảm chi thường xuyên được thực hiện trên cơ sở thắt chặt các khoản chi lễ hội, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền, mở rộng thực hiện khoán xe ô tô công; cắt giảm chi quỹ lương, chi bộ máy, chi hỗ trợ trực tiếp các đơn vị ngoài công lập... Từ nguồn tiết kiệm này đã dành để chi cho con người, cải cách tiền lương và an sinh xã hội.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, ở một số đơn vị sử dụng ngân sách, công tác chi ngân sách còn hạn chế; hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách còn thấp. Hiện vẫn còn hiện tượng chi ngân sách dàn trải, chồng chéo, thất thoát, lãng phí. Cơ cấu chi theo ngành, lĩnh vực và trong từng ngành, từng lĩnh vực chưa hiệu quả, chưa đảm bảo các yêu cầu kinh tế - kỹ thuật… Nếu không khắc phục triệt để, kịp thời những hạn chế nêu trên, sẽ làm giảm hiệu quả của việc cơ cấu lại chi ngân sách.

Để đảm bảo thực hiện tiết kiệm, hiệu quả NSNN, ngay từ đầu năm ngân sách, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện dự toán chi NSNN. Trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức điều hành dự toán NSNN chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính - NSNN; quản lý chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ, triệt để tiết kiệm toàn diện trên các nội dung chi.

Tác giả: Minh Anh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến