Trong giới doanh nghiệp Bình Thuận, tập đoàn này được xem như "ông trùm" khi hiện diện ở hầu hết các dự án thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau tại địa phương.
Chiều 15/10, khu vực mỏ titan Nam Suối Nhum, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận xảy ra sự cố sạt lở cát khiến 4 công nhân thiệt mạng. Liên quan tới sự việc này, nhiều người đặt câu hỏi: Ông chủ của mỏ titan Nam Suối Nhum là ai?
Bóc hồ sơ doanh nghiệp
Mỏ titan Nam Suối Nhum có mã số 4006024002 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cấp lần đầu vào ngày 13/6/2011, thay đổi lần 1 vào ngày 24/11/2017. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường, theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0301906101 do Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp lần đầu ngày 27/12/1999.
Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường có trụ sở chính tại số 18 đường Nội khu Hưng Gia II, phường Tân Phong, quận 7, TPHCM. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Đông, sinh năm 1962.
Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 95 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án 23 năm, tính từ ngày 27/4/2015. Đáng nói, Dự án khai thác mỏ titan Nam Suối Nhum của Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư, được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác khoáng sản quặng titan-zircon bằng phương pháp lộ thiên.
Tập đoàn Rạng Đông là chủ của mỏ titan Nam Suối Nhum ở xã Thuận Quý và xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam.
Theo hồ sơ doanh nghiệp, Công ty TNHH TM Tân Quang Cường thuộc Tập đoàn Rạng Đông của ông Nguyễn Văn Đông (60 tuổi), tại Mộ Đức, tỉnh Quãng Ngãi.
Quá trình khởi nghiệp và thành danh tại Bình Thuận của ông Đông bắt đầu với việc thi công đường ống dẫn nước tại huyện Tánh Linh có số vốn đầu tư 36 triệu đồng. Lúc đó, công ty của ông có tên là Tổ hợp Xây dựng số 04, được thành lập vào năm 1991 với 5 người. Khi mới thành lập, trụ sở được đặt tại xã Măng Tố, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận.
Năm 1994, Nguyễn Văn Đông chuyển trụ sở ra Phan Thiết và thành lập Xí nghiệp Xây lắp Rạng Đông, bắt đầu mở rộng quy mô hoạt động không những trên lĩnh vực xây dựng mà còn là vật liệu xây dựng, xây dựng khu công nghiệp, khai thác khoáng sản, trồng rừng, nội thất… với 120 lao động.
Một trong những bước ngoặt lớn nhất thay đổi diện mạo Tập đoàn Rạng Đông là Dự án Trồng rừng chắn cát ở bãi biển Mũi Né vào năm 1997. Một phần dự án trên được Tập đoàn Rạng Đông đầu tư phát triển, hình thành Sea Links City như hiện nay.
Hiện tại, Tập đoàn Rạng Đông có hơn 4.000 nhân viên với doanh thu mỗi năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tại ngày 30/6/2020, vốn điều lệ của Tập đoàn Rạng Đông hơn 3.100 tỷ đồng.
“Ông trùm” tại Bình Thuận?
Rạng Đông Group kinh doanh nhiều lĩnh vực. Trong giới doanh nghiệp Bình Thuận, Tập đoàn Rạng Đông được xem như "ông trùm", bởi hầu hết các dự án lớn ở địa phương đều có bóng dáng của doanh nghiệp Rạng Đông - điều mà nhiều người cho rằng như một sự hiển nhiên.
Bằng chứng là trong lĩnh vực xây lắp, Tập đoàn Rạng Đông là chủ đầu tư dự án BOT cầu Phú Hài, bắt đầu thu phí từ tháng 5/2004 và dự kiến kéo dài tới tháng 10/2021 nhưng đã xin dừng thu phí trước hạn 4 năm.
Một góc Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết - nơi Bộ Công an vừa có kết luận định giá lên tới gần 2.900 tỷ đồng, nhưng tỉnh Bình Thuận chỉ thu hơn 900 tỷ đồng.
Công ty con của Rạng Đông là Công ty TNHH MTV Xây dựng Cơ bản Rạng Đông cũng là một trong những nhà thầu lớn tại địa phương. Doanh nghiệp đã trúng rất nhiều gói thầu có vốn đầu tư công như xây lắp toàn bộ công trình (không bao gồm phần lắp đặt điều hòa) thuộc dự án Xây dựng mới Trụ sở làm việc Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận với giá trúng thầu hơn 100 tỷ đồng, Công viên Võ Văn Kiệt, quốc lộ 55…
Trong lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Rạng Đông là chủ đầu tư một loạt dự án như: Khu phức hợp nghỉ dưỡng Sea Links City rộng 167 ha ở Phan Thiết, Khu dân cư Rạng Đông rộng 8ha thuộc địa bàn xã Hàm Liên huyện Hàm Thuận Bắc, Khu công nghiệp Sông Bình quy mô 300ha tại xã Sông Bình huyện Bắc Bình.
Trong lĩnh vực khai khoáng, ngoài mỏ titan Nam Suối Nhum vừa xảy ra sự cố, Tập đoàn Rạng Đông còn là chủ đầu tư dự án Khai thác khoáng sản cát bồi nền Hàm Kiệm 4, trữ lượng hơn 100.000 m3; khai thác khoảng sản mỏ đá xây dựng Tân Hà (xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận)…
Ở lĩnh vực tài chính, Tập đoàn Rạng Đông được biết đến là cổ đông lớn, nắm giữ 9,34% cổ phần Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (VietABank), từ cuối năm 2015. Trên giấy tờ, số lượng cổ phiếu nắm giữ khi đó của Rạng Đông chỉ đứng ngay sau Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (Việt Phương Group). Hồi cuối tháng 8/2021, Rạng Đông đã giảm tỷ lệ sở hữu ở VietABank xuống còn 21,72 triệu cổ phiếu (4,88% vốn điều lệ).
Trụ sở mới của Tập đoàn Rạng Đông đang được xây tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Ngoài ra, hệ sinh thái của Tập đoàn Rạng Đông còn nhiều cái tên khác đáng chú ý như: Công ty TNHH MTV Sealinks City, Công ty Khu nghỉ mát Phan Thiết, Công ty CP Khoáng sản Sông Bình, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Đại Phúc, Công ty TNHH Tư vấn Tài chính và Bất động sản Toàn Cầu, Công ty TNHH B.O.T Cảng hàng không Phan Thiết, Công ty CP Đầu tư tổng hợp Long Sơn, Công ty CP Đầu tư Thương mại Quang Minh, Công ty TNHH Khoáng sản Rạng Đông, Công ty CP Tổng hợp Sunrise…
Trong 9 dự án tại Bình Thuận mà C01 - Bộ Công an đang thụ lý giải quyết nguồn tin tội phạm về vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; vi phạm các quy định về quản lý đất đai và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì có đến 4 dự án của Tập đoàn Rạng Đông, gồm: Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, dự án Sea Links Mũi Né, Khu du lịch Xuân Quỳnh ở phường Mũi Né, dự án rừng dầu Hồng Liêm ở xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc.
Tác giả: Duy Quang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy