Dòng sự kiện:
Tiêu chí chọn nhà thầu sửa đường băng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất
05/06/2020 08:26:45
Theo Bộ GTVT, tiêu chí lựa nhà thầu xây lắp phải đảm có đủ năng lực và kinh nghiệm thi công như phải đáp ứng điều kiện năng lực về tài chính, nhân sự chủ chốt đảm bảo bằng cấp, chứng chỉ phù hợp...

Bộ GTVT cho biết, từ năm 2017 đến nay, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng và áp suất bánh hơi lớn (như A350-900, B787-9, B787-10) nên hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã bị xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng xuống cấp kết cấu mặt đường băng như hiện nay nếu không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời có thể phải dừng khai thác hoạt động bay.

Ngoài ra, hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn hiện hữu tại CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất không đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2025 dự kiến đạt đến 44 triệu hành khách/năm đối với CHKQT Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với CHKQT Tân Sơn Nhất. "Do vậy, việc phải đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hết sức cấp bách", Bộ GTVT cho biết.

Đường hạ cánh, đường lăn (đường băng) sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Ngày 15/5 Thủ tướng Chính phủ có quyết định bố trí 828 tỷ đồng cho 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Sau đó, Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án Thăng Long (Ban QLDA Thăng Long) và Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) khẩn trương tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Tổng mức dự án của 2 dự án là 4.046,963 tỷ đồng, trong đó, CHKQT Nội Bài là 2.031,653 tỷ đồng, CHKQT Tân Sơn Nhất là 2.015,310 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2020 đến năm 2021, thời gian hoàn thành công tác thanh quyết toán năm 2022.

Theo Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ, 2 dự án này là dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Trình tự thủ tục thực hiện xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp. Tại văn bản số 626/TTg-CN ngày 27/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Bộ GTVT được giao thầu từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật để triển khai thực hiện. Bộ GTVT là chủ đầu tư, Ban QLDA Thăng Long là đơn vị quản lý Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn CHKQT Nội Bài, Tổng công ty Cửu Long là đơn vị quản lý Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn CHKQT Tân Sơn Nhất.

Về tiêu chí lựa nhà thầu xây lắp, ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết là để được lựa chọn các đơn vị phải đảm có đủ năng lực và kinh nghiệm thi công 2 dự án này theo những quy định pháp luật hiện hành.

Cụ thể, nhà thầu phải đáp ứng điều kiện năng lực về tài chính, nhân sự chủ chốt đảm bảo bằng cấp, chứng chỉ phù hợp; có máy móc, trang thiết bị phù hợp với yêu cầu về kỹ thuật và tiến độ của dự án; về kinh nghiệm phải đảm bảo đã từng thi công công trình tương tự.

"Công tác này đang được khẩn trương thực hiện để tiến hành giao thầu xây lắp, đảm bảo tiến độ khởi công vào cuối tháng 6/2020", ông Lâm khẳng định.

Linh Nhi (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến