Theo Bộ Công Thương, sau thời gian giãn cách xã hội, tháng 5, hoạt động KT -XH đã bắt đầu trở lại bình thường, cùng với kỳ nghỉ Lễ nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính đạt 384,8 nghìn tỷ đồng, tăng đến 26,9% so với tháng trước. Mặc dù chưa thể đạt được con số như cùng kỳ năm trước, song mức tăng này là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy sức mua đã được cải thiện đáng kể sau thời gian ảm đạm do giãn cách xã hội.
Đóng góp cho con số này, so với tháng trước đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đã đạt 311,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, tăng 95,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 0,4 nghìn tỷ đồng, tăng 780,1%; doanh thu dịch vụ khác đạt 40,8 nghìn tỷ đồng, tăng 91,3%...
Tuy vậy, tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.913,9 nghìn tỷ đồng, vẫn giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%).
Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng ước tính đạt 1.543,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm tăng nhẹ do các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, đồng thời người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến.
Đẩy mạnh thị trường nội địa
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa theo hướng bảo đảm đầy đủ thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân. Phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa, đặc biệt là các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành.
Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến của giá dầu thế giới do tác động của dịch bệnh để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp với kịnh bản điều hành giá của Chính phủ. Rà soát, lồng ghép ngay các hoạt động hỗ trợ phát triển hàng hóa, sản phẩm vào các chương trình, hoạt động được giao triển khai thực hiện như Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) để tổ chức triển khai thực hiện. Tổ chức hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất nông sản, thủy sản tập trung với địa phương có cửa khẩu xuất khẩu nhằm đẩy mạnh và mở rộng thị trường tiêu thụ ngoài nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tuyên truyền, quảng bá và kết nối hàng hóa, sản phẩm vào các hệ thống phân phối hàng hóa bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, kết nối tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường trong nước nhằm hỗ trợ người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sau dịch thông qua Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Từ góc độ địa phương, Sở Công Thương Hà Nội cũng đang triển khai các giải pháp, kế hoạch để hỗ trợ doanh nghiệp tạo chuỗi liên kết sản xuất phân phối ngay tại thị trường trong nước, đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam, nhất là với mặt hàng nông sản.
Mới đây, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong năm 2020. Thành phố sẽ tổ chức các tuần hàng trái cây, nông sản của các tỉnh, thành phố tại Hà Nội nhằm hỗ trợ các địa phương tiêu thụ, xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng. Hoạt động này sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh, thành phố khác nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường để chủ động, linh hoạt tổ chức sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cân đối cung - cầu.
Cũng theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, để có thể chinh phục người tiêu dùng trong nước, các doanh nghiệp cần nắm bắt được đúng thị hiếu, nhu cầu của từng đối tượng, khu vực khách hàng. Đồng thời, cải tiến mẫu mã, cơ cấu lại khâu sản xuất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng hàng hóa, đẩy mạnh tăng trưởng cho thị trường trong nước.
Bệ đỡ cho doanh nghiệp phục hồi
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, với các nỗ lực chống dịch đạt kết quả, Thủ tướng Chính phủ đã dỡ bỏ về cơ bản tình trạng cách ly xã hội, mở cửa thị trường trong nước sớm hơn rất nhiều quốc gia khác. Với quyết định mở cửa thị trường, tình hình các doanh nghiệp và nền kinh tế đã chuyển biến rất nhanh.
Cuối tháng 4 đầu tháng 5, VCCI tiến hành một cuộc khảo sát lần thứ 2 về thực trạng của cộng đồng doanh nghiệp, thì có tới 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III; 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, thì những con số này là ấn tượng và tốt hơn rất nhiều so với các con số về thực trạng doanh nghiệp mà VCCI công bố 1 tháng trước đó. Khi đó, hơn 30% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng họ khó có khả năng trụ vững sau 3 tháng, trên 50% doanh nghiệp không thể trụ nổi sau 6 tháng, chỉ 20% có thể tồn tại quá 12 tháng nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam vào thời điểm này vẫn là khó khăn về thị trường tiêu thụ. Do đó, ông Lộc đề nghị phát động những tháng cao điểm, ít nhất từ nay đến cuối năm, phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam, để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt.
Trong bối cảnh xuất khẩu dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong ngắn hạn khi nhiều thị trường chính của nước ta vẫn gặp khó khăn do dịch nhiều doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực xoay xở, tìm kiếm khách hàng, dồn lực đầu tư các dòng sản phẩm mới, phù hợp sức mua từng địa bàn để tăng doanh số thị trường nội địa.
Theo các chuyên gia, dù người dân giảm chi tiêu các mặt hàng xa xỉ, nhưng nhóm hàng thiết yếu vẫn tăng trưởng, bởi nhu cầu tiêu dùng không giảm nhiều, nên vẫn tạo dư địa cho các ngành hàng như thực phẩm chế biến, lương thực, thủy sản… đẩy mạnh tiêu thụ. Do đó, thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân chính là bệ đỡ cho doanh nghiệp phục hồi doanh số và thị trường trong nước vẫn được đánh giá là động lực chính cho sản xuất, phát triển kinh tế.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy