Tiêu thụ 3 tỷ USD rượu bia dẫn đến nhiều tội phạm?
29/10/2015 14:28:52
Đề cập về tình trạng tội phạm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, nếu trước đây giết người thường do ẩu đả, thanh toán giang hồ, hận thù cao độ, thì nay nhiều vụ lại do những mâu thuẫn vụn vặt, trong đó có vụ chỉ là do cái nhìn, do va chạm giao thông, tranh chấp cái mương nước, thậm chí chỉ từ vài quả chanh.

Nhiều vụ bột phát, không có dự mưu nhưng hành động cực kỳ dã man, tàn ác, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng; giết cả những người không trực tiếp mâu thuẫn trong đó có trẻ em, người già. Trong đó, chỉ hơn 40 ngày giữa năm 2015 đã liên tiếp xảy ra 3 vụ ở Nghệ An, Bình Phước, Yên Bái giết chết 14 người trong 3 gia đình.


"Chén tạc chén thù" trên bàn nhậu có khi sẽ dẫn đến những hậu qủa khôn lường

 

Phân tích nguyên nhân dẫn đến các vụ phạm tội, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp QH cho rằng có nguyên nhân từ tình trạng mất kiểm soát qua việc sử dụng rượu bia, lạm dụng rượu bia. 

“Đây là nguyên nhân trực tiếp, tiềm tàng của nhiều vụ giết người, gây thương tích. Trong đó, chỉ riêng 8 ngày Tết 2015 có đến 6.200 người phải nhập viện vì đánh nhau, chết 15 người trong đó chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia”, bà Nga nói và đề nghị QH cần sớm ban hành Luật về phòng chống lạm dụng rượu bia. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cũng nhấn mạnh, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ đến 3 tỷ USD rượu bia. “Rượu bia tràn lan như thế, trẻ em mua thoải mái như thế thì sao không dẫn đến tội phạm được”, ông Phúc nói.

Quốc hội cần coi thực trạng xảy ra liên tiếp các vụ giết người dã man, tàn ác là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần đưa vào nội dung nghị quyết. Đây cũng là thông điệp cho người dân biết, nhà nước sẽ có những giải pháp mạnh mẽ để bảo vệ an toàn cuộc sống của người dân.
Chính phủ cần chỉ đạo ngay các cơ quan có chức năng nghiên cứu tội phạm, nhất là các trung tâm tội phạm học của ngành công an sớm nghiên cứu thực trạng trên để có giải pháp. T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN VN phối hợp cơ quan chăm sóc, bảo vệ trẻ em cần xây dựng chiến lược và chương trình hành động nhằm nâng cao kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên để ứng phó với các vấn đề xã hội do mặt trái của kinh tế thị trường và môi trường sống hiện đại.
 

Theo Tiền Phong.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến