Tập đoàn Hòa Phát vừa thông báo đạt sản lượng thép thô 567.000 tấn trong tháng 10, giảm 19% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 492.000 tấn, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo cơ cấu, thép xây dựng đạt gần 210.000 tấn, chỉ bằng 45% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 267.000 tấn, tăng 30%.
Đây là mức bán hàng thấp nhất kể từ tháng 2/2021 đến nay và cũng là lần sản lượng quay xuống dưới mốc 500.000 tấn/tháng.
Tập đoàn đầu ngành này cho biết sản lượng sản xuất và bán hàng từ quý III đến nay giảm do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đều yếu. Trong tháng vừa qua, sản lượng bán hàng thép xây dựng giảm mạnh, trong đó thị trường xuất khẩu sụt giảm tới hơn 73%.
Tuy nhiên, sản phẩm thép HRC vẫn tăng trưởng so với tháng 9/2022 và cùng kỳ tháng 10/2021. Kết quả này là nhờ một số lô xuất khẩu sang thị trường Indonesia, Malaysia.
Ngoài các sản phẩm chủ lực trên, Hòa Phát còn cung cấp hơn 57.000 tấn ống thép, 27.000 tấn tôn mạ các loại cho thị trường, giảm lần lượt 20% và 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính lũy kế 10 tháng đầu năm, sản xuất của tập đoàn chỉ giảm 2% về mức 6,6 triệu tấn thép thô. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép giảm 3% xuống gần 6,2 triệu tấn; trong đó, thép xây dựng tăng 13% lên 3,6 triệu tấn và thép HRC tăng 9% đạt 2,3 triệu tấn.
Sản phẩm hạ nguồn HRC của Hòa Phát là ống thép đạt 634.000 tấn, tăng 11%. Tôn mạ các loại đạt 276.000 tấn, giảm 13% so với lũy kế 10 tháng năm ngoái.
Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với công suất 8,5 triệu tấn/năm. Thị phần thép xây dựng và ống thép Hòa Phát giữ vị trí dẫn đầu lần lượt là 35,8% và 29,27%. Tôn Hòa Phát nằm trong top 5 thị phần bán hàng toàn quốc.
Hòa Phát nói thêm trong thời gian tới sẽ điều chỉnh sản xuất và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên quản trị tốt hơn hàng tồn kho và chi phí vận hành.
Trước đó, doanh nghiệp cũng báo cáo kết quả khá tiêu cực trong quý III với mức lỗ trước thuế kỷ lục 1.300 tỷ đồng và là lần thua lỗ trở lại kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đến nay.
Lãnh đạo tập đoàn lý giải kết quả trên là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận chỉ tiêu doanh thu vẫn tăng trưởng 11% lên mức 116.559 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm rất mạnh 61% còn 10.443 tỷ đồng.
Tác giả: Huy Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy