Cầu vay mua nhà của cá nhân đã phục hồi đáng kể, song vẫn chậm so với những năm trước. Ảnh: Đức Thanh
Tín dụng bất động sản cải thiện, cầu vay mua nhà ấm hơn
Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính đến cuối tháng 9/2024, tín dụng bất động sản tăng 9,15% so với cuối năm 2023, nhỉnh hơn không đáng kể so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống (9%).
Đáng lưu ý là, tín dụng kinh doanh bất động sản vẫn tăng mạnh (tăng 16%), trong khi tín dụng bất động sản tiêu dùng (cá nhân vay mua nhà, sửa nhà) chỉ tăng 4,62%. Tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản tiêu dùng trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản cũng giảm từ mức 65% trong những năm trước xuống còn 60%, trong khi tỷ trọng tín dụng kinh doanh bất động sản tăng từ 35% lên 40%.
Những tháng đầu năm nay, cho vay cá nhân mua nhà tăng trưởng âm tại nhiều nhà băng và mới chỉ tăng trưởng nhẹ trở lại trong quý II/2024. Tính tới cuối tháng 6/2024, tín dụng tiêu dùng bất động sản mới chỉ tăng 1,2%. Như vậy, tính tới thời điểm này, cầu vay mua nhà của cá nhân đã phục hồi đáng kể, song vẫn chậm so với các năm trước (tăng trưởng 2 con số).
Theo các chuyên gia, tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng trở lại nhờ thanh khoản thị trường nóng hơn trong quý III/2024. Bà Phạm Thị Miền, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho hay, thị trường bất động sản nhà ở quý III/2024 ghi nhận những dấu hiệu thể hiện sự “tăng nhiệt" cả ở phân khúc đất nền và phân khúc căn hộ chung cư. Nguồn cung quý III/2024 sôi động hơn nhờ sự xuất hiện một số dự án mới và tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Tất nhiên, thị trường náo nhiệt hơn không hoàn toàn do cầu phục hồi, mà một phần do đầu cơ tạo nhiệt. Đây cũng là lý do khiến cầu vay mua nhà của cá nhân tăng mạnh hơn so với 6 tháng đầu năm, song vẫn ở mức thấp.
Trong khi đó, giải ngân các chương trình ưu đãi với bất động sản vẫn còn hạn chế. Báo cáo của Bộ Xây dựng vừa gửi tới Quốc hội cho thấy, với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (hiện được nâng lên 140.000 tỷ đồng) cho vay nhà ở xã hội, hiện mới có 34/63 UBND tỉnh, thành phố có văn bản, công bố 83 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử.
Đối với chủ đầu tư, mới có 15 dự án đã ký hợp đồng tín dụng cho vay theo Chương trình 120.000 tỷ đồng với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.624 tỷ đồng. 68 dự án còn lại chưa ký hợp đồng tín dụng cho vay theo Chương trình 120.000 tỷ đồng (trong đó có 57 dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn, 6 dự án đang được các ngân hàng thẩm định, 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay. Với người mua nhà, kết quả còn thấp hơn: qua rà soát, có 151 người mua nhà đã được vay vốn Chương trình 120.000 tỷ đồng, với số tiền khoảng 80 tỷ đồng.
Bất động sản vẫn khát vốn trung và dài hạn
Quy mô tín dụng bất động sản hiện nay khoảng 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản hiện nay không nhỏ, nhưng đang có biểu hiện thiếu lành mạnh, khi tăng trưởng chủ yếu ở phân khúc khách hàng doanh nghiệp, trong khi phân khúc khách hàng cá nhân bị thu hẹp.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản không nên quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. GS-TS Hoàng Văn Cường cho biết, các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn về cơ cấu kỳ hạn khi cho vay bất động sản. Cụ thể, các dự án bất động sản thường kéo dài 5-10 năm, trong khi vốn huy động của các ngân hàng có tới 80% là ngắn hạn.
Để khơi thông huy động vốn cho thị trường bất động sản, ông Cường cho rằng, có thể trông chờ Ngân hàng Chính sách xã hội; trái phiếu bất động sản; người mua trả trước. Cùng với đó, quỹ tín thác mở ra thị trường gọi vốn linh hoạt hơn, khi có thể đầu tư dự án bất động sản mới trên ý tưởng, với số tiền chỉ vài triệu đồng.
"Cần mở nút thắt pháp lý để rào cản không còn nữa và nhà đầu tư dễ dàng đầu tư hơn, giảm chi phí để tăng tiếp cận nguồn cung bất động sản", ông Cường lưu ý.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp bất động sản đang có xu hướng tăng dựa dẫm vào vốn tín dụng ngân hàng, bởi các kênh huy động vốn khác đang gặp khó khăn. Thực tế, trong 9 tháng đầu năm nay, huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chỉ đạt 51.300 tỷ đồng, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái, dù áp lực đáo hạn trái phiếu tăng mạnh.
Với cá nhân vay vốn mua nhà, kỳ vọng tiếp cận nguồn vốn rẻ từ Ngân hàng Chính sách xã hội cũng rất khó khăn. Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, giai đoạn năm 2024-2025, ngân hàng này vẫn chưa được bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện cho vay theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Đề nghị không tính dư nợ cho vay nhà ở xã hội vào room tín dụng của các ngân hàng Trong báo cáo vừa gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng cho hay, giải ngân Gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng (nay tăng lên 140.000 tỷ đồng) chậm là do nguồn cung nhà ở xã hội bước đầu còn hạn chế và lãi suất cũng như thời hạn hưởng lãi suất chưa thực sự thu hút người vay, ngoài việc một số chủ dự án đầu tư không đáp ứng được điều kiện vay vốn. Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục đề xuất giảm lãi suất và kéo dài thời gian vay ưu đãi. Để đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng này, thời gian tới, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đôn đốc các địa phương sớm công bố các danh mục dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn để triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội; tiếp tục xem xét giảm lãi suất, nâng thời hạn vay ưu đãi khuyến khích phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, nghiên cứu cho phép mở các chỉ tiêu/hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại theo hướng: phần cho vay nhà ở xã hội không tính vào chỉ tiêu/hạn mức tín dụng của ngân hàng và được đánh giá, tổng kết hàng năm. Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. |
Tác giả: Hà Tâm
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy