Ảnh chụp cửa thang máy ở một chung cư tại Singapore có dán minh họa cảnh báo của chính quyền đến người dân về hậu quả khi vướng vào tín dụng đen, kèm số điện thoại nóng để người dân tố giác tội phạm.
Trước khi nói về tín dụng đen ở Việt Nam, xin được bắt đầu với thực tế ở Singapore. Không cần nói lại rằng luật pháp Singapore chặt chẽ, nghiêm minh thế nào nên bất cứ cái gì được gắn với chữ “đen” hoặc tương tự như vậy, với cái nghĩa bất hợp pháp, ngoài vòng pháp luật, sẽ không được luật pháp và hệ thống thực thi pháp luật hiệu quả của nước này bỏ qua, tha thứ.
Và cũng không cần phải nói rằng Singapore có một hệ thống tài chính ngân hàng phát triển thuộc dạng tiên tiến của thế giới, sẵn sàng đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu tín dụng đa dạng của người dân và doanh nghiệp.
Vậy mà tín dụng đen, hay còn được biết đến dưới tên gọi “loansharking”, vẫn cứ tồn tại như thường ở Singapore. Điều này thể hiện không chỉ ở những cảnh báo về hậu quả của tín dụng đen mà chính quyền đặt khắp nơi, đặc biệt ở những khu dân cư (xem ảnh), mà còn ở những bảng thông báo của cảnh sát thỉnh thoảng thấy ở bên lề của một con đường nào đó có nhiều người qua lại, thông báo rằng khu vực này đã có hoạt động tín dụng đen bị phát hiện.
Thực tế trên chứng tỏ tín dụng đen luôn tồn tại và có đất sống ở mọi xã hội, bất chấp trình độ phát triển của quốc gia và sự hoàn thiện của hệ thống tài chính ngân hàng.
Tín dụng đen ở Việt Nam vì vậy cần được nhận thức rằng sẽ “trường tồn”, và mọi cuộc chiến/chiến dịch chống tín dụng đen ở Việt Nam chắc chắn sẽ không có hồi kết tuyệt đối, dù có sự “vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị” (chủ yếu từ những nỗ lực của hệ thống tài chính, ngân hàng như báo chí phản ánh trong thời gian gần đây).
Thực tế ở Singapore cho thấy khách hàng nào, nhu cầu nào thì có “nhà cung cấp” tương ứng ở phân khúc đó, thị trường đó. Rõ ràng là người dân Singapore bình thường nói chung có giáo dục cao, nhận thức xã hội tốt, thừa sức hiểu hậu quả của việc vướng vào tín dụng đen (như là một phần kết quả của sự tuyên truyền, giáo dục và cảnh báo hiệu quả của chính quyền). Nhưng việc vẫn có (nhiều) người tìm đến tín dụng đen chứng tỏ có những nhu cầu tín dụng mà hệ thống tài chính, ngân hàng dù đã rất phát triển cũng không thể đáp ứng được.
Ở Việt Nam cũng sẽ là như vậy. Hy vọng dùng tín dụng ngân hàng (và kể cả tài chính vi mô, tài chính/tín dụng tiêu dùng, cho vay ưu đãi người nghèo...) để chống/loại trừ tín dụng đen sẽ luôn chỉ là hy vọng, vì tín dụng ngân hàng không bao giờ bao phủ được toàn bộ thị trường tín dụng gồm cả tín dụng phi chính thức. Có chăng, chỉ nên hy vọng, một cách có cơ sở hơn, là tín dụng chính thức từ ngân hàng, tổ chức tài chính sẽ góp phần hạn chế sự phát triển của tín dụng đen.
Cũng cần lưu ý về cách thức chống tín dụng đen. Ở Singapore hay nhiều nước khác, việc công nhận và cấp phép hoạt động các tổ chức tài chính, các hình thức cho vay mới (ví dụ, cho vay ngang hàng), phối hợp với sự theo dõi, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của hệ thống thực thi pháp luật gồm lực lượng cảnh sát, tòa án, và cơ quan chức năng về tiền tệ... là những giải pháp chính được thực thi.
Họ không có những giải pháp phi thị trường như thúc giục, bắt buộc các ngân hàng, tổ chức tài chính hạ chuẩn cho vay, cho vay “nóng”, nâng hạn mức và kéo dài thời gian cho vay, phải dành một tỷ lệ vốn nhất định để cho vay những đối tượng “ưu tiên” gồm, ví dụ, hộ nghèo, đối tượng chính sách, có nhu cầu đột xuất...
Không ai hiểu rõ thị trường, hiểu rõ khách hàng vay tín dụng hơn là những doanh nghiệp, những người trực tiếp hàng ngày cho vay, tiếp xúc với khách hàng vay. Việc hạ chuẩn cho vay và tích cực cho vay các đối tượng dưới chuẩn một cách phi thị trường sẽ chỉ mang lại hậu quả hoặc là nợ xấu tăng vọt, hoặc là Nhà nước phải dùng ngân sách một cách trực tiếp hay gián tiếp để “bù lỗ” cho hệ thống ngân hàng để xóa nợ xấu gia tăng như là hậu quả của việc phải thực thi các giải pháp phi thị trường chống tín dụng đen.
Ngoài ra, có một điểm lưu ý quan trọng là Singapore và nhiều nước khác không áp đặt trần lãi suất cho vay. Điều này thể hiện rõ nguyên tắc thị trường là “tiền nào của nấy” - lãi suất được quyết định chủ yếu bởi mức độ rủi ro của khách hàng trong việc trả nợ. Nhờ nguyên tắc này mà phần lớn các nhu cầu tín dụng trong xã hội được đáp ứng bởi hệ thống tài chính, tín dụng chính thức, chỉ để lại một khoảng trống nhất định cho tín dụng đen hoạt động.
Do vậy, nếu Việt Nam vẫn cứ tiếp tục áp đặt trần lãi suất cho vay như hiện tại, hoặc tìm cách sửa đổi, áp đặt một trần mới, thì sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn là nhiều nhu cầu tín dụng của người dân (và cả doanh nghiệp) sẽ không được đáp ứng, giả sử mức trần lãi suất được thực thi nghiêm minh, sâu rộng. Điều này vô hình trung đẩy nhiều người dân càng phải tìm đến tín dụng đen, đi ngược lại chủ trương dùng tín dụng chính thức để chống tín dụng đen.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy