Dòng sự kiện:
Tín dụng hướng về chất lượng
25/10/2019 21:36:39
Chất lượng tín dụng được cải thiện, nợ xấu giảm mạnh, qua đó giúp sức khỏe của hệ thống TCTD được nâng cao góp phần tích cực để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn liên tục nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của VN...

Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo của NHNN gửi tới các đại biểu Quốc hội mới đây, tính đến cuối tháng 9 tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Mặc dù có thấp hơn một chút so với cùng kỳ mấy năm trở lại đây, song mức tăng này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% mà NHNN đã đề ra để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, mức tăng trưởng 9,4% nói trên được tính trên một con số dư nợ tín dụng rất lớn sau nhiều năm tín dụng tăng trưởng cao trước đó. Vì thế, nếu xét theo giá trị tuyệt đối thì mức tăng dư nợ tín dụng 9 tháng đầu năm không hề thua kém so với cùng kỳ những năm trước đây.

Quả vậy, tính toán sơ bộ cho thấy, trong 9 tháng đầu năm có thêm gần 678 nghìn tỷ đồng tín dụng mới được bơm vào nền kinh tế, tức bình quân khoảng hơn 75,3 nghìn tỷ đồng mỗi tháng; cao hơn nhiều so với tăng dư nợ tín dụng bình quân là 73,3 nghìn tỷ đồng mỗi tháng của năm 2018.

Dư nợ tín dụng tuyệt đối đã vậy, doanh số cho vay còn cao hơn rất nhiều do vòng quay của đồng vốn chắc chắn sẽ nhanh hơn rất nhiều trong bối cảnh nền kinh tế năm 2019 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng rất cao, dự kiến cả năm đạt khoảng 6,8%; các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động. Thêm vào đó, việc tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã được giảm về còn 40% kể từ đầu năm và dự kiến có thể giảm về còn 30% trong thời gian tới cũng buộc các ngân hàng phải hạn chế cho vay với kỳ hạn dài và chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, từ đó đẩy vòng quay của đồng vốn tăng lên.

Đó là chưa kể tiến trình xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai quyết liệt và hiệu quả hơn sau khi Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD được ban hành đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trước đây. Nợ xấu giảm mạnh cũng đồng nghĩa giải phóng thêm một lượng vốn lớn, trước đây “nằm chết” trong các khoản nợ này, chảy vào nền kinh tế thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt là hiệu quả tín dụng được nâng cao hơn rất nhiều khi mà chất lượng tín dụng ngày càng được cải thiện, dòng tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, thay vì đổ các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán… như thời gian trước. Số liệu thống kê của NHNN Việt Nam cho thấy, đến tháng 8/2019, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 6%, chiếm khoảng 24,26% tổng dư nợ đối với nền kinh tế; đối vớidoanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%, chiếm 18,67%; lĩnh vực xuất khẩu tăng13,21%, chiếm 3,16%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%, chiếm 2,91%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%, chiếm 0,41%.

Nhờ đó, mặc dù tín dụng chỉ tăng ở mức 9,4%, song vẫn hỗ trợ tích cực giúp nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 6,98% trong 9 tháng đầu năm. Phát biểu trong phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội chiều 22/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng ghi nhận, tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế đã “đảo chiều” trong thời gian qua: “Trước đây, tăng trưởng tín dụng 33%/năm, nhưng GDP chỉ tăng từ 5-6%. Những năm gần đây, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ kiểm soát chặt chẽ chính sách tín dụng, nhất là tín dụng bất động sản, chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất, nên tín dụng nói chung tăng khoảng 14%, nhưng tăng trưởng kinh tế cao hơn trước”.

Trong kết luận tham vấn điều 4 đối với Việt Nam, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng hoan nghênh vị thế của chính sách tiền tệ và tín dụng hiện nay, đặc biệt là giảm tăng trưởng tín dụng đang giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn.

Quả vậy, mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng đã góp phần tích cực nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam là nền kinh tế có mức độ cải thiện năng lực cạnh tranh lớn nhất thế giới khi tăng tới 10 bậc so với năm 2018 lên vị trí 67 trong số 141 nền kinh tế trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Chất lượng tín dụng được cải thiện, nợ xấu giảm mạnh, qua đó giúp sức khỏe của hệ thống TCTD được nâng cao cũng góp phần tích cực để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn liên tục nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Theo đó hồi tháng 5/2019, Fitch Ratings đã nâng triển vọng từ mức “Ổn định” lên “Tích cực” trong khi tiếp tục duy trì mức xếp hạng BB đối với Việt Nam. Trước đó một tháng, Standard & Poor lần đầu tiên sau 9 năm đã điều chỉnh nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến