Dòng sự kiện:
Tín hiệu đáng báo động của kinh tế toàn cầu
25/06/2022 08:42:29
Giá đồng thường đi lên khi nền kinh tế tăng trưởng, và hạ nhiệt theo đà suy yếu của nền kinh tế. Việc giá đồng lao dốc mạnh có thể là dấu hiệu của một cuộc suy thoái.

Theo CNN, nhiều nhà đầu tư coi giá đồng là chỉ báo quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, hôm 23/6, giá đồng đã chạm mức thấp nhất trong vòng 16 tháng.

Chỉ trong vỏn vẹn 2 tuần, giá đồng lao dốc tới 11%. "Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại đã được phản ánh trong giá dầu", ông Daniel Ghali - Giám đốc chiến lược hàng hóa tại TD Securities - bình luận.

Loại kim loại này được dùng trong nhiều vật liệu xây dựng, bao gồm cả dây điện và ống nước.

Do đó, đồng thường được xem là một chỉ báo của nền kinh tế. Bởi nhu cầu đồng có xu hướng nóng lên khi kinh tế tăng trưởng, và hạ nhiệt theo đà suy yếu của nền kinh tế.

Giá dầu có xu hướng biến động cùng chiều với tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Reuters.

Chỉ báo kinh tế

Giới giao dịch thậm chí còn đặt biệt danh cho loại kim loại này là "tiến sĩ đồng" bởi khả năng dự báo của nó.

Đầu năm nay, sau khi Nga đổ quân vào Ukraine, giá đồng đã tăng vọt cùng với các kim loại khác. Khi đó, giá nickel thậm chí tăng dựng đứng từ hơn 50.000 USD/tấn lên 100.000 USD/tấn trong vỏn vẹn 18 phút, khiến thị trường kim loại thế giới chao đảo.

Theo S&P Global, Nga chiếm 4% sản lượng đồng toàn cầu và gần 7% sản lượng nickel. Giới quan sát lo ngại nguồn cung thiếu hụt khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi từ đại dịch. Do đó, họ đã mạnh tay mua vào để tích trữ.

Một khi nhu cầu tích trữ chấm dứt, nhu cầu hàng hóa toàn cầu bắt đầu thay đổi theo xu hướng tăng trưởng

Ông Daniel Ghali, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại TD Securities

Nhưng giá quay đầu lao dốc khi giới đầu tư lo ngại về một cuộc suy thoái. "Một khi nhu cầu tích trữ chấm dứt, nhu cầu hàng hóa toàn cầu bắt đầu thay đổi theo xu hướng tăng trưởng", ông Ghali giải thích.

Theo chỉ số quản lý thu mua được S&P Global công bố hôm 23/6, sản lượng của khu vực kinh tế tư nhân Mỹ đã ghi nhận tăng trưởng giảm tốc mạnh trong tháng 6.

"Sự bùng nổ nhu cầu khi nền kinh tế mở cửa trở lại không kéo dài lâu. Nhiều công ty dịch vụ bị ảnh hưởng khi các hộ gia đình chật vật đối phó với chi phí sinh hoạt tăng cao. Trong khi đó, những công ty sản xuất hàng hóa không thiếu yếu cũng chứng kiến đơn đặt hàng lao dốc", ông Chris Williamson - nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence - chia sẻ.

Các doanh nghiệp cũng bi quan hơn về triển vọng kinh tế khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mạnh tay nâng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. Hôm 15/6, FED thông báo nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994, nâng lãi suất tham chiếu lên 1,5-1,75%.

Giới quan sát cho rằng điều này có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Trong một lưu ý được công bố hôm 17/6, ông Ethan Harris - chuyên gia kinh tế toàn cầu tại Bank of America - cho rằng những nỗi lo lớn nhất đối với các động thái của FED đã trở thành sự thật.

"FED đã hành động quá chậm và giờ đang đặt một ván cược nguy hiểm để đối phó với lạm phát. Chúng tôi cho rằng tăng trưởng GDP sẽ chậm lại gần như bằng 0, lạm phát ổn định ở mức khoảng 3% và FED có thể nâng lãi suất lên trên 4%", ông Harris dự báo.

Các nhà đầu tư không còn tin rằng FED có thể đưa nền kinh tế "hạ cánh an toàn". Thị trường nhà ở tại Mỹ vẫn đang hạ nhiệt nhanh chóng. Hoạt động vay mua nhà giảm mạnh. Trong khi đó, tâm lý của người tiêu dùng ở mức thấp kỷ lục.

"Khi niềm tin kinh doanh rơi xuống ngưỡng như hiện tại, một cuộc suy thoái kinh tế thường xảy ra. Điều đó làm tăng thêm nguy cơ suy thoái", ông Williamson bình luận.

Suy thoái kinh tế

Mới đây, Citigroup cho rằng nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu lên tới gần 50%, khi các ngân hàng trung ương đẩy mạnh nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát.

Tại châu Âu, theo chỉ số quản lý thu mua của 19 quốc gia sử dụng đồng EUR, tăng trưởng trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng.

Còn Trung Quốc - động lực quan trọng của nền kinh tế toàn cầu - vẫn đang chật vật với dư chấn từ các đợt phong tỏa ngăn Covid-19. Cùng với đó là sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản.


Việc Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - kiên quyết theo đuổi chiến lược Zero-Covid có thể đe dọa đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế của đất nước có một số dấu hiệu cải thiện trong tháng 5. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ đã giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp.

Theo ông Darwei Kung - Giám đốc danh mục hàng hóa tại DWS, tăng trưởng ở Trung Quốc được dự báo đi lên vào cuối năm nay. Điều đó sẽ kéo giá đồng và các kim loại khác gia tăng. "Tôi không chắc điều đó sẽ xảy ra lúc nào, nhưng vấn đề chỉ là thời gian", ông chia sẻ.

Trong khi đó, giá đồng có thể tiếp tục lao dốc một khi vẫn còn những lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế. "Trong trung hạn, nhiều khả năng đồng sẽ giảm giá, nhất là khi chúng ta nhìn vào kịch bản suy thoái", ông Ghali nhận định.

Tác giả: Thảo Phương

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến