Dòng sự kiện:
Tín hiệu xấu cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu
10/10/2019 08:41:50
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu đang có dấu hiệu đi xuống, diễn biến của chỉ số sản xuất công nghiệp cũng đang làm dấy lên những lo ngại đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Chỉ số PMI sản xuất toàn cầu theo thống kê của JP Morgan đã chịu tác động mạnh mẽ từ những diễn biến kinh tế vĩ mô toàn cầu khi rơi vào ngưỡng thu hẹp liên tục qua các tháng của quý III. Cụ thể, chỉ số PMI đã giảm xuống còn 49,3 điểm trong tháng 7, phục hồi nhẹ trong 2 tháng tiếp theo ở mức 49,5 điểm trong tháng 8 và 49,7 điểm trong tháng 9. Như vậy, chỉ số PMI đã ghi nhận chuỗi thu hẹp kéo dài liên tục kể từ tháng 5 trở lại đây, trong đó mức thu hẹp của tháng 7 là mạnh nhất trong vòng 81 tháng qua. 

Chỉ số PMI sản xuất toàn cầu

Xét theo ngành sản xuất, xu hướng đi xuống của chỉ số PMI được ghi nhận rõ rệt tại 2 nhóm ngành hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong khi đó, nhóm hàng hóa tiêu dùng vẫn duy trì được ở ngưỡng mở rộng.

Xét theo khu vực kinh tế, sự suy giảm của chỉ số PMI được ghi nhận tại một số nền kinh tế phát triển cũng như tại nhiều quốc gia đang phát triển và mới nổi. Cụ thể, chỉ số PMI tại nhiều nền kinh tế đầu tàu như Nhật Bản, Anh, khu vực EU, Trung Quốc đã rơi xuống dưới ngưỡng thu hẹp là 50 điểm. Bên cạnh đó, chỉ số PMI cũng diễn biến chậm lại tại nhiều quốc gia đang phát triển như Nga, Brazil, Colombia, Đài Loan, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ...

Hầu hết các chỉ số PMI thành phần đều đang có chiều hướng đi xuống như các thống kê về sản lượng đầu ra, số lượng đơn đặt hàng mới, tuyển dụng lao động và giá cả đầu vào. Đặc biệt chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới có 13 tháng giảm liên tục, kết thúc quý III còn đang rơi vào ngưỡng thu hẹp là 48 điểm cho thấy những biến động thương mại toàn cầu tiếp tục có ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu tại các nền kinh tế.

Tại khu vực ASEAN, các điều kiện hoạt động tại các công ty sản xuất trong các tháng gần đây cũng đã suy giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 11/2015. Theo đó, chỉ số toàn phần đã tiếp tục nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong 3 tháng liên tiếp của quý III báo hiệu sức khỏe của lĩnh vực sản xuất ASEAN tiếp tục suy giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ cuối năm 2015.

Theo Thời bao ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến