Dòng sự kiện:
Tình tiết định khung cho kẻ chém lìa chân người khác
18/07/2022 15:23:25
Theo luật sư, nếu mức độ thương tật của nạn nhân ở mức 31-60%, nghi phạm có thể đối diện mức án lên tới 10 năm tù về tội Cố ý gây thương tích.

Khoảng 17h ngày 15/7, anh H. (ở huyện Thường Tín, Hà Nội) đi bộ ở khu vực xã Hồng Vân, huyện Thường Tín thì bị một nam giới bịt mặt chém đứt lìa chân phải.

Người dân sau đó đưa nạn nhân đi cấp cứu. Cơ quan chức năng đang truy bắt nghi phạm gây án.

Trường hợp này, nghi phạm có thể bị xử lý về tội danh và tình tiết định khung nào?


Nạn nhân bị một người áo đen áp sát, chém đứt lìa chân phải. Ảnh cắt từ clip.

Theo luật sư Lưu Kiều Trang (Phó giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự), với tính chất, mức độ và hậu quả mà hành vi gây ra, nghi phạm có thể bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Đối với tội danh này, mức độ thương tật của nạn nhân sẽ là yếu tố quan trọng quyết định tình tiết định khung đối với nghi phạm.

Theo thông tin hiện có, nạn nhân bị đứt lìa chân phải, chưa xác định được chính xác vị trí bị nghi phạm tấn công. Theo Thông tư 22/2019/TT-BYT của Bộ Y tế, các loại vết thương ở những vị trí khác nhau tại vùng chân sẽ cho những kết quả giám định thương tích khác nhau. Do đó, cơ quan chức năng sẽ chờ kết quả chẩn đoán cuối cùng của cơ quan y tế có thẩm quyền để lấy đó làm căn cứ xử lý nghi phạm.

Theo quy định tại Thông tư 22, nếu vết chém ở khu vực bàn chân và khớp cổ chân, khiến nạn nhân phải tháo khớp cổ chân một bên hoặc cắt bỏ bàn chân, mức độ thương tật tương ứng sẽ trong khoảng 41-45%.

Trường hợp nạn nhân bị đứt gân gót chân, phải cắt bỏ toàn bộ xương gót, mức độ thương tật là 31-35%. Trường hợp vết chém khiến nạn nhân phải cắt bỏ xương sên, kết quả giám định thương tích sẽ trong khoảng 26-30%.

Theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, người nào dùng vũ khí gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác 11-30% sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều này với khung hình phạt 2-6 năm tù. Trường hợp mức độ thương tật 31-60%, khung hình phạt áp dụng sẽ là 5-10 năm tù.

Ngoài ra, nếu thông tin trên mạng xã hội về việc đây là kết quả của một vụ thanh toán, trả đũa lẫn nhau là chính xác, nghi phạm còn có thể phải đối mặt các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội có tính chất côn đồ và vì động cơ đê hèn theo Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015.

Thời gian qua, một vụ việc khác được nhiều người quan tâm là việc anh H. (ở TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bị Trịnh Ngọc Hưng (27 tuổi) chém đứt lìa bàn tay ở tiệm cắt tóc. Tuy nhiên, trong vụ việc này, cơ quan chức năng đã khởi tố bị can Hưng về tội Giết người thay vì tội Cố ý gây thương tích.

Bình luận về vụ việc này, luật sư Trang cho biết hai vụ việc có điểm chung là các nạn nhân bị chém lìa bộ phận trên cơ thể. Tuy nhiên, theo clip ghi lại sự việc tại Thanh Hóa, Hưng đã chủ đích chém vào vùng đầu của nạn nhân. Đây là vị trí trọng yếu, việc tấn công vào đây có thể gây nguy hiểm tới tính mạng nạn nhân. Do đó, việc khởi tố Hưng về tội Giết người là có cơ sở.

Đối với sự việc xảy ra tại Hà Nội, nghi phạm chủ đích tấn công vào vùng chân của nạn nhân. Đây không phải vị trí trọng yếu, việc tấn công vào đây khó có thể lập tức gây nguy hiểm tới tính mạng cho nạn nhân. Do đó, khó có căn cứ xử lý nghi phạm về tội Giết người.

Tác giả: Hoàng Linh

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến