Dòng sự kiện:
Tình trạng cổ đông lớn thao túng ngân hàng đã được hạn chế
22/10/2022 08:06:43
NHNN cho biết, sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế và từng bước được kiểm soát.

Khó xác minh, xử lý sở hữu chéo trong ngân hàng

Trong báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn, Nghị quyết số 63/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 3 gửi đến đại biểu Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cùng với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý xử lý vấn đề sở hữu chéo, vượt giới hạn quy định, NHNN đã tiếp tục quan tâm và có giải pháp kiểm soát, quyết liệt xử lý vấn đề sở hữu chéo, vi phạm sở hữu cổ phần gắn với quá trình cơ cấu lại TCTD.

Các TCTD đã tích cực đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua lại... Theo đó, sở hữu chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế và từng bước được kiểm soát.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trình bày tờ trình về Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) tại Quốc hội chiều 20/10. Ảnh: TL.

Đến nay, các TCTD đã cơ bản xử lý, khắc phục một số vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo. Cụ thể số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đến nay đã được khắc phục; sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm, đến nay còn lại 1 ngân hàng thương mại với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau (tại thời điểm tháng 6/2012 có 56 cặp).

Việc xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định phát sinh trước khi Luật các TCTD năm 2010 có hiệu lực chủ yếu còn tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, phụ thuộc vào lộ trình xử lý theo đề án của các tập đoàn và chỉ đạo của các bộ, ngành chủ quản.

Theo NHNN, thực tế việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định. Việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

Hỗ trợ lãi suất chậm: Có tâm lý e ngại của ngân hàng và khách hàng

Về nội dung triển khai Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế, NHNN cho biết đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Sau đó, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 31; ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN và nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh triển khai chương trình.

Đến cuối tháng 8/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 10.700 tỷ đồng đối với gần khoảng 580 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 9.800 tỷ đồng. Hiện các ngân hàng đang tiếp tục rà soát danh mục khách hàng đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất để đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất.

NHNN đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan để thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 43. Ảnh: TL.

Tuy nhiên, NHNN cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Cụ thể là, các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành. Hiện nay nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh, nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ NSNN, nên các ngân hàng thương mại cũng cần thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, do đó mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại vẫn còn tâm lý e ngại khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi chưa được quyết toán.

Từ phía khách hàng, mặc dù một số chi nhánh ngân hàng thương mại đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ NSNN, phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Để khắc phục những vấn đề này, NHNN cho biết đang thành lập các đoàn khảo sát liên ngành trong đầu tháng 10 để đánh giá và đôn đốc triển khai chính sách tại một số ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng thương mại tại các địa phương; tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố để tăng cường thông tin, đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng và khách hàng trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu thực tế hỗ trợ của doanh nghiệp, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách để kịp thời xử lý, tháo gỡ…

Nợ xấu giảm so với cuối năm 2021

Báo cáo về vấn đề nợ xấu, NHNN cho hay đến cuối tháng 8/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức an toàn là 1,9%. Tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD là 4,99% (gồm toàn bộ dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN có nguy cơ tiềm ẩn thành nợ xấu. Tỷ lệ này cuối năm 2021 là 6,3%.

Liên quan đến công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/8/2022, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 404,1 nghìn tỷ nợ xấu. NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục áp dụng toàn diện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ xấu.

Tác giả: Hoàng Yến

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến