Những sai sót của Sở Tài chính Bắc Ninh
Liên quan đến vụ án "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Y tế Bắc Ninh và các đơn vị liên quan, CQĐT Bộ Công an đã hoàn tất Kết luận điều tra và đề nghị VKS truy tố cựu Bí thư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến cùng loạt cựu cán bộ, lãnh đạo tỉnh này và nhiều cá nhân liên quan về hành vi Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ...
Về phía đơn vị liên quan, thì Sở Tài chính được xác định là cơ quan có vai trò quan trọng. CQĐT đã tiến hành thu thập tài liệu, ghi lời khai của ông Nguyễn Văn Hải, nguyên Giám đốc Sở Tài chính và bà Nguyễn Thị Huệ, nguyên Trưởng phòng giá, là các cá nhân tham gia thẩm định giá thiết bị tại các gói thầu.
Chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự với ông Nguyễn Văn Hải.
Kết quả điều tra xác định, Sở Tài chính là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Bắc Ninh có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài chính; ngân sách, giá và các dịch vụ tài chính tại địa phương...
Trong vụ án, sở Tài chính đã ban hành 6 Quyết định phê duyệt dự toán gói thầu mua sắm Thiết bị y tế thuộc Dự án đầu tư cải tạo nâng cấp xây dựng công trình tại 6 BVĐK tuyến huyện trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các cá nhân chỉ căn cứ theo Chứng thư thẩm định giá do Chủ đầu tư cung cấp, không trực tiếp khảo sát thị trường và thẩm định giá thiết bị thực tế làm căn cứ so sánh.
Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện, ông Nguyễn Văn Hải và bà Nguyễn Thị Huệ không được ai chỉ đạo, không tiếp xúc, làm việc với cá nhân nào tại nhóm công ty đấu thầu.
Do hồ sơ, tài liệu đã được Chủ đầu tư hợp thức đầy đủ nên không biết có sự thông đồng giữa Chủ đầu tư và nhà thầu; không được hưởng lợi ích, nên chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự nhưng cần đề nghị xử lý về Đảng và hành chính.
Tính vụ lợi của cựu Giám đốc Sở Y tế
Tại Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố ông Nguyễn Hạnh Chung, nguyên Giám đốc Sở Y tế về tội "Nhận hối lộ", quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự.
CQĐT xác định, với cương vị Giám đốc Sở, ông Chung phải có trách nhiệm chỉ đạo Ban quản lý dự án thực hiện đấu thầu đúng quy định. Thế nhưng vì động cơ vụ lợi, theo đề nghị của Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế tỉnh (Chủ đầu tư) và được sự đồng ý của ông Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí Thư tỉnh nên đã đồng thuận cho nhóm công ty trúng thầu, gây thiệt hại hơn 48 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Sau khi giúp sức, ông Chung được bị can Tuynh "cảm ơn" 600 triệu đồng và 100 triệu đồng từ Công ty AIC.
Ông Nguyễn Hạnh Chung khi còn đương chức.
KLĐT cho biết, đối với 6 Giám đốc Bệnh viện đa khoa các huyện: Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ, Yên Phong và Tiên Du đã tham gia họp, thống nhất danh mục, dự toán thiết bị cần đầu tư mua sắm.
Tuy nhiên, đến nay chưa xác định được mối quan hệ giữa cá nhân trên với nhóm các Công ty trúng thầu; không có trao đổi với Chủ đầu tư và nhà thầu để bảo vệ danh mục, đơn giá thiết bị có lợi cho nhà thầu nên chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự mà đề nghị xử lý về Đảng và hành chính.
Thực tế, các cá nhân này đã chỉ đạo các khoa phòng chuyên môn nghiên cứu, đề xuất, đưa ra danh mục thiết bị khám, chữa bệnh theo nhu cầu sử dụng. Trong đó có một số thiết bị mang tính chất đặc thù, hạn chế gửi Sở Y tế và Ban QLDA triển khai thực hiện đấu thầu.
Còn việc tổng hợp, đề xuất điều chỉnh các gói thầu, thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị như thế nào thì các cá nhân trên không tham gia vì đó là trách nhiệm của Ban QLDA được UBND tỉnh giao cho làm Chủ đầu tư thực hiện.
Theo kết luận điều tra, năm 2013, ông Đặng Tiên Phong, Chủ tịch Công ty Sông Hồng đã liên hệ với Trần Văn Tuynh - để đặt vấn đề xin vốn bổ sung cho lĩnh vực y tế tại tỉnh Bắc Ninh. Đổi lại, bị can Tuynh sẽ "giúp sức" cho Công ty Sông Hồng trúng 6 gói thầu thiết bị y tế tại bệnh viện ở 6 huyện của tỉnh này. Ông Tuynh đồng ý, nhưng sau đó cũng nhận được đề nghị từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn với nội dung tương tự. Do biết bà Nhàn có quan hệ với lãnh đạo tỉnh nên ông Tuynh đã bàn bạc lại vấn đề, sau đó thống nhất để Công ty Sông Hồng thực hiện 3 gói thầu tại các huyện Yên Phong, Tiên Du, Quế Võ còn Công ty AIC thực hiện 3 gói tại huyện Gia Bình, Thuận Thành, Lương Tài. Tiếp đó, các bị can đã dùng "quân xanh" đấu thầu, nâng giá cho các "quân đỏ" trúng thầu. Đến nay, cả 6 gói thầu đã được bàn giao và gây thiệt hại 48 tỷ đồng cho ngân sách. Quá trình này, các lãnh đạo Công ty Sông Hồng là ông Đặng Tiên Phong và bị can Lê Tuấn Hưng đã đưa hối lộ cho Trần Văn Tuynh 6 tỷ đồng. Tuynh chi lại cho Nguyễn Nhân Chiến – Bí thư tỉnh khi đó và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh mỗi người 1 tỷ đồng; tặng Phó chủ tịch Nguyễn Tiến Nhường 300 triệu đồng. Ông Nguyễn Nhân Chiến khai từ năm 2014 đến khi nghỉ hưu năm 2020, đã 13 lần nhận tiền của bà Nhàn tại phòng làm việc, mỗi lần từ 500 triệu đồng đến 3 tỷ đồng. Tổng là 13 tỷ đồng. Như vậy, Cơ quan điều tra cáo buộc ông Chiến nhận tổng hối lộ 14 tỷ đồng từ nguồn tiền của Công ty AIC và Công ty Sông Hồng. Đến nay, cựu Bí thư tỉnh đã nộp đủ số tiền khắc phục hậu quả. |
Tác giả: Đặng Ngọc Thuỷ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy