TKV nói gì về sự cố vỡ ống nước đẩy máy bơm kiềm tại Alumin Nhân Cơ?
04/08/2016 12:05:03
ANTT.VN – Sự cố vỡ cổ ống đẩy máy bơm kiềm tại nhà máy Alumin Nhân cơ được Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV cho biết chưa từng ghi nhận ở bất kỳ nhà máy nào mà nhà thầu CHALIECO (Công ty hữu hạn công trình quốc tế Nhôm Trung Quốc ) thực hiện.

Tin liên quan

Việc vỡ ống đẩy máy bơm kiềm tại nhà máy Alumin Nhân Cơ hôm 23/7 làm kiềm bị chảy ra ngoài, trong đó 1 phần theo nước mưa, qua cửa xả số 3 chảy ra suối ĐắK Yao, đã được Công ty Nhôm Đắk Nông kịp thời khắc phục. Các cơ quan chức năng đã xác định nồng độ PH ở mức cho phép tại khu vực này, không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Sự việc xảy ra vào 8 giờ 14 phút ngày 23/7, tại khu vực chứa kiềm lỏng A03 thuộc phân xưởng Cô đặc - hiệu chỉnh dung dịch - Công ty nhôm Đắk Nông (DNA), nhân viên vận hành khởi động bơm kiềm A03-YH1S002b thì nghe thấy tiếng động lạ phát ra từ khu vực này nên đã cho dừng máy bơm, theo dõi và phát hiện cổ ống đẩy của bơm bị vỡ, làm kiềm bị chảy ra ngoài theo cổ bơm bị vỡ này.

Ảnh minh họa ( nguồn: internet)

Sau khi sự cố xảy ra, cán bộ phòng An toàn môi trường của Công ty nhôm Đắk Nông báo cáo lãnh đạo và phối hợp với nhân viên vận hành trong ca của Phân xưởng khóa van đầu bơm.

Đồng thời, DNA huy động lực lượng để cách ly khu vực có sự cố, sử dụng các công cụ, dụng cụ  để thu hồi, trung hòa độ pH rò rỉ ra môi trường. Công ty cũng tổ chức kiểm tra độ pH tại tất cả các cửa xả của nhà máy, dọc tuyến suối phía hạ du sau cửa xả số 3 với tần suất đo 10 phút/lần, đồng thời bố trí máy xúc phần đất bị nhiễm kiềm đổ ra khoang số 1 của hồ bùn đỏ, dùng bạt nilon che kín bề mặt phần đất bị xúc đi.

Trong  ngày 23/7, “Công ty đã báo cáo Bộ TN-MT, Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông, các cơ quan chính quyền địa phương và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam về diễn biến sự cố, công tác khắc phục sự cố; lập đoàn kiểm tra xác định nguyên nhân sự cố, kiểm tra các khu vực có thể bị ảnh hưởng do sự cố xảy ra và các giải pháp khắc phục sự cố” – Ông Ngô Tố Ninh – Phó Giám đốc DNA cho biết.

Sau khi tiếp nhận thông tin, ngày 24/7, đoàn công tác của Bộ TN-MT do ông Mai Thế Toản, Cục phó Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường làm trưởng đoàn cùng tổ giám sát môi trường, Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông, chính quyền địa phương, nhà thầu CHALIECO cùng với DNA vào kiểm tra thực địa vị trí xảy ra sự cố, cũng như các khu vực cấp kiềm khác của nhà máy, khảo sát và phân tích độ pH tại ví trí cửa xả số 3 của nhà máy thoát nước ra suối Đăk Yao và một số vị trí khác phía hạ du của suối.

Kết quả quan trắc của Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông vào lúc 9h30 ngày 24/7 cho thấy, tại thời điểm kiểm tra, mẫu nước số 1 lấy tại vị trí cửa xả số 3 có độ pH là 8,13. Mẫu 2 lấy tại vị trí cách cửa xả số 3 khoảng 150m có độ pH là 7,57 và mẫu số 3 cách cửa xả số 3 khoảng 250m có độ pH là 7,15. 8h30 ngày 25/7, Sở Tài nguyên môi trường Đắk Nông tiếp tục lấy 04 mẫu trên suối Đắk Yao về phía hạ du của cửa xả số 3. Kết quả, điểm 01, cách cửa xả số 3 1.500, độ pH đo được là 5,96. Đến ngày 29/7, kết quả 6 mẫu đo nhanh tại suối Đăk Yao, do đoàn công tác của Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông, UBND huyện Đắk R’Lấp, Công an huyện Đắk R’Lấp thực hiện, cho thấy độ pH trong nước đã giảm rõ rệt và xuống còn 4,34 tại vị trí lấy mẫu cách cửa xả số 3 khoảng 300m.

Theo đánh giá của đoàn công tác Bộ TN-MT, Tổ giám sát môi trường, Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông, chính quyền địa phương cùng với DNA, có tổng cộng 9,58m3 kiềm thẩm thấu xuống nền đất xốp trên diện tích 600m2 liền kề và một phần theo hệ thống nước mưa chảy tràn và chảy ra suối Đăk Yao qua cửa xả số 3.

Kết quả đo nhanh pH trong nước của các đoàn kiểm tra, kết quả phân tích mẫu nước của Trung tâm Quan trắc TN-MT cũng cho thấy độ pH trong nước, đất vẫn nằm trong quy chuẩn Việt Nam. Đoàn kiểm tra ghi nhận không thấy hiện tượng bất thường nào xảy ra cho cây cối và sinh vật trong khu vực khảo sát.

Công ty Nhôm Đắk Nông đang triển khai lắp đặt hệ thống camera tại khu vực A03 để giám sát 24/24, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương theo dõi diễn biến môi trường xung quanh khu vực suối ĐắK Yao.

Đồng thời, DNA cũng đã làm việc với nhà thầu CHALIECO về thiết kế, vận hành, các bên, rà soát các giai đoạn thực hiện từ thiết kế cho đến vận hành để xác định nguyên nhân. Theo đánh giá, nhà thầu đã vận hành bơm để tiếp nhận kiềm trong thời gian hơn một tháng trước khi xảy ra sự cố. Sự cố vỡ cổ máy bơm chưa từng được ghi nhận ở bất kỳ nhà máy nào mà nhà thầu này thực hiện.

“Nhằm có giải pháp khắc phục triệt để, DNA vẫn đang tiếp tục làm việc cùng CHALIECO để tìm hiểu cụ thể từ công tác thiết kế, lắp đặt và đào tạo vận hành để đưa ra nguyên nhân mấu chốt nhất” - Ông Ninh nói.

Ông Ninh cũng cho biết đã làm việc với nhà thầu để xem xét bổ sung phương án chặn các cửa xả, tăng cường các biện pháp đảm bảo không cho hóa chất chảy ra môi trường khi xảy ra sự cố.

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người Phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sự cố tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ tuy đã được khống chế và cơ quan giám sát môi trường đã quan trắc trên dòng suối và xác định nồng độ PH ở mức cho phép nhưng cũng đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và dư luận xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xác định cụ thể nguyên nhân, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có. Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và các cơ sở sản xuất cần tiếp tục rà soát, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, yêu cầu các chủ đầu tư chấp hành nghiêm các quy định kể cả trong quá trình đầu tư xây dựng cũng như trong quá trình sản xuất, bảo đảm an toàn khai thác, chế biến khoáng sản; chủ động có các biện pháp dự phòng để ứng phó khi xảy ra sự cố.

TD

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến