Theo kế hoạch, ngày 25/12, TAND Cấp cao tại TP Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm đại án "chuyến bay giải cứu", xem xét kháng cáo của 21 bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Thẩm phán Mai Anh Tài - Chánh Tòa Kinh tế, TAND cấp cao tại Hà Nội là chủ tọa. Đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội gồm có kiểm sát viên cao cấp Vũ Văn Biểu và Lê Thị Thu Hà. Phiên phúc thẩm lần này có gần 30 luật sư đăng ký tham gia bào chữa.
Người duy nhất kháng cáo kêu oan là Trần Minh Tuấn - Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Thái Hòa, trước đó án sơ thẩm tuyên Tuấn 18 năm tù về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Đưa hối lộ.
Tại toà sơ thẩm hồi tháng 7/2023, Tuấn thừa nhận bản thân không phải cán bộ Nhà nước, không có chức năng nhiệm vụ trong việc cấp phép các chuyến bay. Nhưng mục đích là muốn cứu đồng bào. "Tôi có sự thương cảm, một sự đồng cảm và nhiệt huyết muốn giải cứu đồng bào. Vì vậy, tôi mới nhận lời hợp tác và xin thủ tục để giải cứu càng nhiều đồng bào càng tốt", ông Tuấn bào chữa trước toà.
Bị cáo Trần Minh Tuấn phủ nhận cáo buộc tại phiên sơ thẩm.
Trần Minh Tuấn cũng khẳng định, không lừa đảo Phạm Bích Hằng - Giám đốc Công ty Vinamichi mà chỉ muốn Hằng đừng thúc giục mình đưa hối lộ và giúp Hằng khỏi hành vi đưa hối lộ, để Hằng yên tâm hợp tác với Tuấn.
Bị cáo Trần Minh Tuấn không thừa nhận cáo buộc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Đưa hối lộ. Tuấn cho rằng, Phạm Bá Sơn - nhân viên Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hoà khai nhận tiền của Tuấn rồi đưa Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch Hà Nội) để trả thù mình.
Việc này xuất phát từ việc trước kia Tuấn coi Sơn như ruột thịt nhưng Sơn lại dựa vào sự tin tưởng của Tuấn để làm những việc khuất tất.
Đầu quý II/2022, Tuấn đã dừng trợ cấp 15-20 triệu đồng/tháng cho Sơn để cảnh cáo khiến Sơn rất ức chế. Thêm nữa, trước kia, Tuấn nhờ Sơn đứng ra nhận vay tiền, sau khi Tuấn bị bắt, chủ nợ quay ra đòi Sơn khiến anh ta phải thế chấp nhà để trả nên càng thù ghét Tuấn.
Cáo trạng xác định, Trần Minh Tuấn đã đưa hối lộ hơn 700 triệu đồng, lừa đảo chiếm đoạt hơn 5,6 tỷ đồng. Bị cáo Phạm Bích Hằng bị xác định đã đưa hối lộ hơn 1,1 tỷ đồng.
Cụ thể, tháng 6/2021, Phạm Bích Hằng đã đưa 1 tỷ đồng cho Trần Minh Tuấn để nhờ xin cấp phép chuyến bay, cách ly y tế cho nhân sự Công ty Sự kiện và Bầu trời Hà Nội. Nhận tiền, Tuấn không đưa cho cá nhân nào và Công ty Sự kiện và Bầu trời Hà Nội không được cấp phép chuyến bay.
Khi Hằng yêu cầu trả lại tiền, bị cáo Trần Minh Tuấn chỉ trả lại 400 triệu đồng, số tiền còn lại Tuấn nói đã chi cho Tổ 5 Bộ để chiếm đoạt số tiền này.
Đến tháng 8/2021, Hằng thỏa thuận với Tuấn để xin cấp phép các chuyến bay thông qua pháp nhân Công ty Du lịch Quốc tế (do Hằng mượn pháp nhân). Lúc này, Tuấn đưa ra thỏa thuận Hằng chi 3,5 triệu đồng/khách cấp phép chuyến bay, 1,5 triệu đồng/khách cách ly.
Từ cuối tháng 10/2021, Trần Minh Tuấn nâng giá xin cách ly lên 2,5 triệu đồng/khách. Hằng có nhiệm vụ hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép chuyến bay, cách ly và chuẩn bị tiền, còn Tuấn là người đi nộp hồ sơ và đưa tiền cho thành viên Tổ 5 Bộ, địa phương.
Theo thỏa thuận, mỗi chuyến thành công, Tuấn được hưởng 300 triệu đồng. Thực hiện thỏa thuận trên, bị cáo Hằng đã chuyển hơn 12 tỷ đồng cho Trần Minh Tuấn.
Số tiền này Tuấn dùng để thanh toán tiền thuê máy bay hơn 4,3 tỷ đồng, đưa hối lộ hơn 799 triệu đồng cho các cá nhân. Trong đó, Tuấn khai đưa cho cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng 200 triệu đồng, Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) 2.000 USD; Cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng 500 triệu đồng và các cá nhân khác.
Bị cáo Trần Minh Tuấn đã trả lại 1,3 tỷ đồng cho Phạm Bích Hằng và được Hằng trả công cho Tuấn 1,2 tỷ đồng theo thỏa thuận. Ngoài ra, Tuấn còn chi 100 triệu đồng khi xin cấp phép cách ly. Số tiền còn lại, hơn 5 tỷ đồng được Tuấn chiếm đoạt của Phạm Bích Hằng.
Tác giả: Đặng Ngọc Thuỷ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy