Dòng sự kiện:
Toàn cảnh ngân hàng: Tăng trưởng bền vững trong thận trọng
09/05/2018 12:00:57
Trong những năm qua, chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng đã được triển khai hiệu quả, một mặt giúp hệ thống an toàn, lành mạnh, bền vững; mặt khác góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Để nhìn lại những bước đi của ngành ngân hàng thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp tổ chức Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng: “Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững” vào ngày 8/5 tại Hà Nội.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho hay, ngành ngân hàng đã và đang quyết liệt triển khai cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu để đảm bảo sự an toàn, lành mạnh, bền vững, từ đó tạo tiền đề vững chắc để kiềm chế lạm phát, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Về những kết quả đạt được, ông Phạm Thanh Hà, Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, mặt bằng lãi suất giảm mạnh từ năm 2012 và giữ ổn định trong năm 2017, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm. Tăng trưởng tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, đi đôi với chất lượng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng GDP; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, lạm phát được kiểm soát…

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, ngành ngân hàng vẫn còn những rủi ro thách thức từ biến động của nền kinh tế trong nước và thế giới, tiêu biểu là dòng vốn tiếp tục gia tăng theo động thái thoái vốn nhà nước tại các DN nhà nước cũng như việc gọi vốn của khối DN tư nhân, một mặt giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối nhưng mặt khác lại tạo áp lực trong việc trung hòa và điều tiết tiền tệ…

Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu bước đầu đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra nhưng công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn.

Theo các chuyên gia, những tồn tại của ngành ngân hàng đến từ nhiều phía: khách quan, ngân hàng và khách hàng.

Nói về khó khăn trong công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cho rằng, một số cơ quan chức năng chưa phối hợp, chưa tham gia hỗ trợ một cách tích cực trong quá trình thu giữ tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, các ngân hàng TMCP nhà nước còn gặp khó khăn liên quan đến việc tăng vốn về cả pháp lý và thực tiễn triển khai nhằm đáp ứng theo chuẩn mực Basel II, bởi hiện nay các ngân hàng này chưa được sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn, trong khi đó, tăng vốn theo hình thức bán cổ phần bị hạn chế bởi quy định về tỷ lệ nắm giữ cổ phần tối thiểu của Nhà nước.

Để tăng hiệu quả cho hoạt động tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu, tại Diễn đàn, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, việc xử lý tài sản đảm bảo còn vướng ở khâu thuế chuyển nhượng tài sản đảm bảo. Vị này cho rằng, Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường gỡ vướng, hiện có tình trạng tài sản đảm bảo bán xong rồi nhưng người mua không sử dụng được do thuế chưa chuyển về.

Ngoài ra, vị chuyên gia này còn cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp, để có sự triển khai đồng bộ nhằm phát triển thị trường mua bán nợ đúng nghĩa, cũng như tạo sự bền vững cho các ngân hàng.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fullbright Việt Nam, nới lỏng chính sách tiền tệ không nên là ưu tiên chính sách trong giai đoạn hiện nay, nó sẽ tạo thành gánh nặng cho NHNN và ngành ngân hàng. Đặc biệt, ngành ngân hàng đã có sức tăng trưởng tốt nhưng phải thận trọng vấn đề từ tăng trưởng tốt sang quá nóng, đặc biệt là thị trường tài sản.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực lưu ý, NHNN không nên “ôm đồm” đa mục tiêu, vừa giữ ổn định chính sách tiền tệ, vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, tăng trưởng GDP… mà NHNN nên chú trọng vào chiến lược dài hạn để hệ thống tăng trưởng bền vững.

Theo Báo Hải quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến