Tội phạm mạng - thách thức lớn đối với an ninh Mỹ
08/10/2014 11:30:57
Hệ thống máy tính của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JP Morgan Chase mới đây đã bị tin tặc “ghé thăm”.

Hậu quả của việc này là thông tin cá nhân của hơn 83 triệu khách hàng, trong đó có 7 triệu doanh nghiệp quy mô nhỏ, đã bị đánh cắp. Tuy nhiên, đây chỉ là một ví dụ điển hình cho tình trạng hàng trăm công ty Mỹ đang phải chịu đe dọa từ những cuộc tấn công mạng, gây thiệt hại lên tới hàng tỷ USD mỗi năm...

Tấn công diện rộng

Tờ New York Times đưa tin, đây là lần thứ hai JP Morgan Chase bị tin tặc "hỏi thăm" trong ba tháng qua. Vụ việc đã làm nảy sinh nhiều lo ngại về mức độ bảo mật thông tin cá nhân tại JP Morgan Chase. Lâu nay, ngân hàng này được đánh giá là tương đối an toàn trước các vụ tấn công mạng vì đã đầu tư nhiều tiền của vào công tác bảo mật cũng như huấn luyện nhân viên an ninh mạng. Theo Bloomberg, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã chi khoảng 200 triệu USD mỗi năm vào công tác bảo mật và tuyển tới 1000 người cho riêng lĩnh vực này. Tổng giám đốc Giêm-mi Đai-mơn (Jamie Dimon) của JP Morgan Chase thừa nhận, ban lãnh đạo ngân hàng rất lo ngại về các mối đe dọa tấn công từ tin tặc, mặc dù công tác an ninh mạng ngốn hàng trăm triệu USD trong ngân sách hoạt động của hãng.

Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JP Morgan Chase. Ảnh: bgr.com

Đây là vụ đánh cắp thông tin mới nhất sau hàng loạt vụ tấn công mạng nhằm vào các thể chế tài chính và doanh nghiệp bán lẻ Mỹ thời gian gần đây. Tháng trước, Tập đoàn bán lẻ Home Depot cũng bị đánh cắp 56 triệu tài khoản tín dụng của khách hàng. Đó là chưa kể đến việc cuối năm ngoái, tập đoàn bán lẻ lớn thứ ba nước Mỹ Target cũng đã thừa nhận bị tin tặc đánh cắp dữ liệu cá nhân và thông tin thẻ thanh toán của hơn 110 triệu khách hàng trong mùa mua sắm cuối năm. Chuỗi siêu thị Albertsons, trang mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới eBay và Công ty Dịch vụ y tế Community Health Systems-một trong những cơ quan điều hành bệnh viện lớn của Mỹ, cũng lần lượt bị tin tặc "hỏi thăm".

Sau hàng loạt những vụ việc đáng tiếc này, chính quyền của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) đã phải chính thức đưa ra lời cảnh báo rằng, các nguy cơ tấn công mạng là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Những cái tên trong danh sách đen

Mặc dù giới chức Mỹ chưa xác định nguồn gốc vụ tấn công JP Morgan Chase nhưng hãng tin Bloomberg dẫn một số nguồn giấu tên suy đoán thủ phạm vụ tấn công có nguồn gốc từ Nga. Theo đó, đây có thể là hành động trả đũa việc Mỹ áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở U-crai-na. Tuy nhiên, nguồn tin thân cận với JP Morgan Chase lại cho rằng, tin tặc I-ta-li-a đứng đằng sau vụ việc này.

Tin tặc Nga, Đông Âu và Trung Quốc thường nằm trong “danh sách đen” các nghi phạm hàng đầu của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) trong những vụ tấn công mạng. Điều này cũng không mấy lạ lùng khi vừa mới năm ngoái, chính phủ Mỹ đã truy tố 4 người Nga và 1 người U-crai-na vì cáo buộc họ điều hành một đường dây tin tặc toàn cầu. Gần đây hơn thì phải kể đến vụ Mỹ đã kết tội 5 sĩ quan thuộc Đơn vị 61398, Cục 3 của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, hoạt động gián điệp mạng nhằm vào các tập đoàn, công ty của Mỹ.

Trả lời phỏng vấn trong chương trình "60 phút" của kênh CBS về vấn đề an ninh mạng, Giám đốc FBI Giêm Cô-mi (James Comey) nêu rõ, các hệ thống máy tính của hầu hết công ty lớn của Mỹ từng là mục tiêu tấn công của những tin tặc Trung Quốc, thậm chí, nhiều doanh nghiệp không biết mình là "nạn nhân" của các vụ đánh cắp thông tin mật. Theo người đứng đầu FBI, tin tặc Trung Quốc tấn công mạnh mẽ, bẻ khóa hệ thống mạng của các công ty Mỹ để dễ dàng đánh cắp bí mật liên quan đến các thương vụ hay đàm phán giữa công ty Mỹ với công ty Trung Quốc. Ông nhấn mạnh, thiệt hại về tài sản trí tuệ do các vụ tấn công này để lại là không thể định tính được, song ước tính có thể lên tới hàng tỷ USD mỗi năm. Theo Giám đốc G. Cô-mi, tần suất các chiến dịch tấn công mạng của Trung Quốc dày đặc khiến lực lượng an ninh Mỹ nhiều lúc không kịp "trở tay" đối phó.

Mối quan hệ xói mòn

Thực tế, việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc đứng sau hàng loạt vụ tấn công mạng nhằm vào nước này không có gì xa lạ. Thậm chí trong một thời gian dài, những lời cáo buộc lẫn nhau giữa hai cường quốc đã khiến mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng lâm vào căng thẳng. Vụ 5 sĩ quan Trung Quốc bị Mỹ kết tội được xem như một quả bom lớn, phá tan những cố gắng vượt qua mọi sự ngờ vực để cùng hợp tác trong vấn đề an ninh mạng giữa hai nước. Bắc Kinh đã rút khỏi nhóm công tác mạng Mỹ-Trung, vốn được thành lập một năm trước đây sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Mỹ, nhằm xếp đặt các mối quan hệ giữa hai cường quốc theo hướng tích cực.

Cùng với mối quan hệ ngoại giao căng thẳng, quan hệ thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới cũng xuất hiện thêm áp lực và gây ra những rắc rối mới cho một số công ty công nghệ của Mỹ đang hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Hàng loạt các công ty hàng đầu của Mỹ như Google, Apple, Yahoo, Cisco Systems, Microsoft, và Facebook đã bị Trung Quốc nghi ngờ có dính líu tới âm mưu hoạt động gián điệp và đánh cắp các thông tin mật. Đồng thời, Trung Quốc cũng ra lệnh cấm các cơ quan chính phủ sử dụng hệ điều hành Windows 8 mới nhất của Tập đoàn Microsoft. Đây được cho là một cú đánh mạnh vào hãng sản xuất phần mềm hàng đầu của Mỹ đang có sản phẩm bán tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Với những hệ lụy này, an ninh mạng đã không chỉ đặt ra những thách thức đối với sự ổn định và phồn vinh của hai nước, mà còn khiến việc thiết lập một mô hình quan hệ Mỹ-Trung “kiểu mới” trong tương lai có nguy cơ rơi vào bế tắc.

Theo QDND.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến