Dòng sự kiện:
Tội phạm rửa tiền trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam
03/06/2019 15:14:02
Tội phạm rửa tiền đang trở thành vấn nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Rửa tiền là hành vi hợp pháp hóa nguồn gốc các tài sản do phạm tội mà có.

Tội phạm rửa tiền đang trở thành vấn nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới. 

Thông qua hành vi rửa tiền, các khoản tiền hoặc tài sản từ vi phạm pháp luật được che giấu nguồn gốc và “biến hóa” thành tiền sạch hay tài sản hợp pháp.

Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cùng với đặc thù giao dịch chủ yếu là tiền mặt ở các nước và xu hướng phát triển nhanh của công nghệ, Việt Nam đang trở thành "miền đất hứa" cho tội phạm rửa tiền. Bài viết đánh giá thực trạng rửa tiền tại một số nước trên thế giới và đề xuất một số kiến nghị đối với Việt Nam.

Công tác chống rửa tiền ở một số quốc gia

Tội phạm rửa tiền là loại tội phạm nguy hiểm với nhiều thủ đoạn tinh vi và hình thức phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế của các quốc gia. Rửa tiền hiểu một cách đơn giản là hành vi hợp pháp hóa nguồn gốc của các tài sản do phạm tội mà có. Thông qua hành vi rửa tiền, các khoản tiền hoặc tài sản có nguồn gốc từ hành vi vi pham pháp luật được che giấu nguồn gốc và “biến hóa” thành tiền sạch hay tài sản hợp pháp. Theo “Khảo sát về Tội phạm kinh tế và gian lận toàn cầu năm 2018” vừa được Công ty TNHH Tư vấn PwC Việt Nam công bố, hoạt động rửa tiền là một trong những vấn đề nghiêm trọng xuyên biên giới, mang tính toàn cầu. Kết quả khảo sát cho thấy, 36% các tổ chức được khảo sát cho biết đã đối mặt với tội phạm kinh tế nói chung và 75% số tổ chức được khảo sát cho biết đã tiến hành đánh giá rủi ro về tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố trong hai năm gần đây. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Thế giới, mỗi năm có từ 2 đến 5% GDP toàn cầu là tiền được rửa và hành vi trốn thuế. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều đẩy mạnh hoạt động chống phòng chống rửa tiền, cụ thể:

Hàn Quốc

Hàn Quốc là một trong những quốc gia tiên phong triển khai giải pháp phòng, chống rửa tiền (PCRT). Chính phủ Hàn Quốc nhận thức rất sớm những nguy hại từ hoạt động rửa tiền gây ra. Hàn Quốc gia nhập Tổ chức quốc tế về PCRT và tài trợ khủng bố (Egmont Group) từ năm 2002 và trở thành thành viên chính thức của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) năm 2009. Trước đó, Hàn Quốc đã thành lập Đơn vị tình báo tài chính Hàn Quốc (KoFIU), một trong những nhiệm vụ chính của cơ quan này là theo dõi, phát hiện các hoạt động rửa tiền liên quan đến lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Năm 2001, Hàn Quốc ban hành Luật Báo cáo giao dịch tài chính đối với các giao dịch đáng ngờ (FTRA), được sửa đổi vào năm 2005 theo hướng giám sát tất cả các giao dịch tiền mặt giá trị lớn.

Năm 2013, Chính phủ nước này ban hành các quy định theo hướng tăng cường xử phạt vi phạm về nghĩa vụ báo cáo đối với các tổ chức tín dụng (TCTD). Đồng thời, yêu cầu các TCTD phải cung cấp bằng chứng của việc thực hiện nghĩa vụ xác nhận khách hàng, thực hiện xác nhận khách hàng phân biệt theo loại hình giao dịch và loại hình khách hàng; Phạm vi báo cáo được mở rộng đối với các loại hình giao dịch và các hành vi liên quan đến rửa tiền... Gần đây, trước xu thế tiền kỹ thuật số, sử dụng tiền ảo ngày càng phổ biến, ước tính khoảng 1 triệu người dân nước này sử dụng bitcoin, các cơ quan quản lý tài chính Hàn Quốc tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn việc lợi dụng tiền kỹ thuật số như một công cụ rửa tiền…

Nhật Bản

Là một quốc gia có hệ thống ngân hàng phát triển hàng đầu thế giới, nên Nhật Bản đã có những bước hoàn thiện Hệ thống PCRT từ rất sớm. Năm 1992, Chính phủ Nhật Bản han hành Luật PCRT và Luật này được sửa đổi nhiều lần để phù hợp với thực tế. Nhờ vậy, các biện pháp PCRT ở Nhật Bản đã tiến triển từng giai đoạn, phù hợp bước đi của cộng đồng quốc tế. Chẳng hạn, trong lĩnh vực tài chính, đối với khách hàng, tổ chức tài chính phải xác minh danh tính, nhân thân khách hàng ở thời điểm giao dịch, mục đích giao dịch, xác minh tài sản và thu nhập của khách hàng đối với giao dịch trên 2 triệu Yên, lập và lưu trữ hồ sơ giao dịch của khách hàng. Các cơ quan hành chính có thẩm quyền, tổ chức tài chính đều phải báo cáo những giao dịch đáng ngờ. Hiện nay, các TCTD Nhật Bản có xu hướng triển khai hệ thống chống rửa tiền theo thứ tự các bước gồm: Lọc danh sách theo dõi; Hệ thống giám sát giao dịch; Chấm điểm rủi ro... Nhật Bản hiện cũng là nước dẫn đầu toàn cầu về chống rửa tiền tại các sàn giao dịch tiền điện tử và đang nỗ lực thúc đẩy việc áp dụng các quy tắc ràng buộc mới vào năm 2019.

Anh

Nhận thức được vai trò quan trọng của việc PCRT, nên cuối những năm 1990, Anh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cho hệ thống ngân hàng về PCRT. Các quy định PCRT tại Anh có một số điểm đáng chú ý như: Các TCTD đều phải lưu giữ tất cả chứng từ giao dịch, thời gian lưu giữ tối thiểu là 6 năm để phục vụ công tác điều tra khi các đối tượng bị phát hiện có dấu hiệu nghi vấn rửa tiền. Tất cả các tổ chức, cá nhân không tuân theo những hướng dẫn của luật và quy định về PCRT sẽ dẫn tới những trách nhiệm pháp lý. Các nhân viên của các định chế tài chính phải có nghĩa vụ hợp tác toàn diện với các cơ quan pháp luật và phải có nghĩa vụ thông báo trước cho các cơ quan có thẩm quyền tất cả các giao dịch đáng ngờ. Nếu nhân viên vi phạm những quy định về bảo mật của khách hàng thì phải chịu trách nhiệm pháp lý dân sự theo quy định của luật pháp...

Mỹ

Mỹ cũng là quốc gia tiên phong trong việc đưa ra các quy định và hành động cứng rắn đối với các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Theo Luật PCRT ở Mỹ, các tổ chức tài chính báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền và phải lưu giữ tất cả các chứng từ liên quan đến giao dịch trên 10.000 USD. Sau này luật được sửa đổi, cho phép các cơ quan chức năng có thể hạ thấp mức chuẩn 10.000 USD trong các điều tra nếu thấy cần thiết. Luật PCRT tại Mỹ quy định cụ thể nghĩa vụ của các cá nhân và tổ chức, trường hợp cá nhân hoặc tổ chức khi phát hiện các đối tượng tham gia vào bất kỳ hoạt động rửa tiền nào phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền. Đây là một trong những căn cứ để tịch thu, sung công quỹ tiền và tài sản có liên quan đến hoạt động rửa tiền của các đối tượng phạm tội. Trường hợp các cá nhân không tuân thủ những quy tắc và luật lệ liên quan đến hoạt động PCRT thì có thể xử lý về mặt dân sự, hoặc hình sự, tùy vào mức độ vi phạm nặng hay nhẹ làm căn cứ xử lý. Đối tượng vi phạm sẽ bị phạt nặng, với số tiền phạt có thể lên đến 250.000 USD và phạt đến 5 năm tù giam… 

Nhận diện những nguy hại từ hoạt động rửa tiền

Vấn nạn rửa tiền đang gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế, xã hội và an ninh của mỗi quốc gia, cụ thể:

Một là, phá vỡ sự ổn định, tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả nền kinh tế. Trên thế giới hiện nay, rửa tiền hàng ngày đang ảnh hưởng đến từng chủ thể trong nền kinh tế và là mối lo ngại của hầu hết các quốc gia, đặc biệt, các nền kinh tế mới nổi rất dễ trở thành mục tiêu của tội phạm rửa tiền. Loại hình tội phạm này có thể tàn phá thành quả kinh tế của một quốc gia bằng những thủ đoạn tinh vi để hợp pháp hóa tiền và tài sản có nguồn gốc từ tội phạm của mình...

Hai là, gây bất ổn thị trường tài chính – tiền tệ. Với việc gây ra sự lưu chuyển các luồng tiền trong thế giới ngầm, từ đó dẫn đến những đột biến trong cầu tiền tệ và bất ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam khi quan hệ thương mại với nước ngoài phụ thuộc vào ngoại tệ. Tình trạng này sẽ làm mất đi hiệu lực của chính sách tiền tệ trong nước, dẫn đến việc điều hành kinh tế vĩ mô trở nên khó khăn thậm chí là lệch lạc.

Ba là, tác động tiêu cực đến xu hướng đầu tư với rủi ro cao, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tiền từ các hoạt động rửa tiền sẽ không được sử dụng để đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ cho phát triển kinh tế, các lĩnh vực kinh doanh đem lại nhiều giá trị gia tăng, mà chỉ được đầu tư vào các tài sản mang tính chất che đậy như góp vốn vào các công ty bình phong hoặc mua các loại hàng hóa xa xỉ… Các giao dịch ngầm từ hoạt động này làm suy giảm hiệu quả kinh tế của các giao dịch hợp pháp, gây mất lòng tin đối với thị trường.

Bốn là, hệ thống tổ chức tài chính, thậm chí có thể bị thao túng bởi các băng nhóm tội phạm. Tội phạm rửa tiền sẽ gây bất ổn hệ thống ngân hàng, làm mất uy tín, giảm chất lượng đội ngũ nhân viên, gây mất cân bằng cơ cấu nợ và tài sản của các ngân hàng, ảnh hưởng tiêu cực đến cả hệ thống ngân hàng nói chung… Sự xuất hiện của các tổ chức tài chính bình phong xuất hiện sẽ gây mất ổn định cho hệ thống tài chính, khiến hoạt động của các tổ chức tài chính gặp vấn đề nghiêm trọng, có thể suy yếu.

Kết quả tích cực của Việt Nam trong công tác phòng chống rửa tiền

Nhận thức rõ những tác động xấu từ các hành vi rửa tiền đến kinh tế - xã hội, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn vấn nạn này. Hiện nay, Việt Nam đã có khá đầy đủ khuôn khổ pháp lý về phòng chống rửa tiền.

Theo đó, ngày 07/6/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2005/NĐ-CP về PCRT - văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên điều chỉnh trực tiếp về hoạt động rửa tiền ở Việt Nam. Ngày 18/6/2012, Quốc hội ban hành Luật PCRT, trong đó quy định cụ thể các dấu hiệu nhận biết khách hàng là đối tượng có nghi ngờ thực hiện hành vi rửa tiền; Những giao dịch trong lĩnh vực ngân hàng phải giám sát đặc biệt để PCRT… Ngày 17/10/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong PCRT (Bảng 1).

Tại Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2009, Việt Nam đã đưa tội danh rửa tiền vào Điều 251, tạo cơ sở pháp lý để đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này, đồng thời góp phần tạo thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh PCRT. Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 tiếp tục bổ sung nhiều nội dung và cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội rửa tiền nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. NHNN cũng ban hành văn bản hướng dẫn triển khai công tác PCRT như: Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của NHNN hướng dẫn thực hiện một số quy định về PCRT; Thông tư số 31/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 của NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013/TT-NHNN...

Từ tháng 5/2007, Việt Nam đã trở thành thành viên của (Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền APG) và cam kết thực thi đầy đủ 40 khuyến nghị về chống rửa tiền của FATF. Chính phủ đã giao Bộ Công an, Bộ Tư pháp, NHNN, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao… cùng phối hợp triển khai dự án. Qua đó, dự án đã tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho hơn hàng nghìn cán bộ tại các cơ quan hành pháp và tư pháp về PCRT. Ngày 13/4/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 470/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo PCRT, với nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng chiến lược, chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, cơ chế và giải pháp trong công tác PCRT…

Theo lộ trình, dự kiến trong quý IV/2019, APG sẽ vào Việt Nam tiếp tục đánh giá về cơ chế PCRT, tài trợ khủng bố của Việt Nam theo 40 khuyến nghị mới của FATF. Thực hiện nghĩa vụ thành viên và triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao, hiện nay NHNN Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đang phối hợp xây dựng và thực hiện Kế hoạch tổng thể chuẩn bị cho việc đánh giá đa phương của APG. Trong đó, cả định hướng chỉnh sửa Luật PCRT cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và yêu cầu thực tiễn của Việt Nam…

Có thể nói, những nỗ lực của Việt Nam trong công tác PCRT đã đạt nhiều kết quả tích cực. Thống kê kết quả sau 5 năm thực hiện Luật PCRT (2013-2018) cho thấy, Luật này đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ và toàn diện cho việc triển khai đồng bộ và có hiệu quả công tác PCRT trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tính từ tháng 1/2013 đến tháng 1/2018, Cục PCRT (NHNN) đã tiếp nhận gần 6.000 báo cáo giao dịch đáng ngờ, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước khi có luật (2005-2012). Hiện nay, mỗi ngày cơ sở dữ liệu của Cục PCRT tiếp nhận khoảng gần 200 nghìn giao dịch tiền mặt có giá trị lớn và giao dịch chuyển tiền điện tử ra/vào Việt Nam. Tính đến tháng 1/2018, hệ thống đang lưu trữ khoảng 250 triệu giao dịch, liên quan đến khoảng 11 triệu khách hàng…

Đề xuất, khuyến nghị

Để công tác PCRT tại Việt Nam đạt được hiệu quả cao hơn trong bối cảnh mới, cần chú trọng một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, trên cơ sở đánh giá hiệu quả cũng như các bất cập trong PCRT hiện nay và các thông lệ quốc tế, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung Luật PCRT. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan như: Luật Quản lý thuế, Luật Thuế tài sản, pháp luật về đăng ký giao dịch… nhằm kiểm soát thu nhập và tài sản của cá nhân. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định cũng cần gắn liền với việc đề xuất tăng các chế tài phạt tiền nặng đối với những tổ chức, cá nhân che giấu hoạt động rửa tiền…

Hai là, tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan để PCRT nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của việc PCRT trong các cơ quan nhà nước như: Bộ Công an, Bộ Tài chính, NHNN, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng… Trong đó, chú trọng phối hợp kiểm tra chấp hành các biện pháp quy, kiểm tra chấp hành các biện pháp PCRT của các tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng rửa tiền, nghi ngờ rửa tiền.

Ba là, ngăn chặn việc rửa tiền các hoạt động giao dịch tiền ảo. Hiện nay, phương thức rửa tiền ngày càng trở nên tinh vi và nguy cơ rửa tiền qua tiền ảo ngày càng lớn do tính chất ẩn danh và khó quản lý của loại tiền này. Do vậy, cần tăng cường biện pháp kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo theo hướng yêu cầu các TCTD và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng bất kỳ dịch vụ thanh toán, thẻ, tín dụng, chuyển tiền… liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng. Các TCTD, đơn vị trung gian thanh toán phải báo cáo lại các giao dịch đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo; rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo, các tổ chức có hoạt động xử lý giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo và có biện pháp xử lý đúng quy định pháp luật về PCRT…

Bốn là, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức các tổ chức, cá nhân về các rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, giúp các tổ chức, cá nhân hiểu rõ tác hại của rửa tiền, từ đó thúc đẩy một nền văn hóa tuân thủ pháp luật; Khuyến khích và khen thưởng các tổ chức, cá nhân tố giác, tố cáo và cung cấp thông tin về hoạt động rửa tiền.

Năm là, chú trọng nâng cao trình độ năng lực, kiến thức về PCRT cho cán bộ làm công tác chuyên trách không chỉ trong ngành Công an mà cả ngành Ngân hàng; Chú trọng đẩy mạng ứng dụng CNTT nhằm thúc đẩy công tác phòng chống rửa tiền hiệu quả hơn, nhanh hơn, với chi phí thấp hơn. 

Theo Tạp chí tài chính

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến