Dòng sự kiện:
'Tôi sốc khi vụ chính biến nổ ra ở Myanmar'
02/02/2021 08:25:51
Người Myanmar và cộng đồng người Việt ở nước này vừa trải qua một ngày 1/2 với 'cú sốc' chính biến, khi Internet và mạng viễn thông đều bị ngắt kết nối.

Khi thức dậy vào sáng ngày 1.2, Ayu* - 23 tuổi, sinh viên ngành luật ở Mandalay, Myanmar - cứ ngỡ điện thoại cô bị hỏng. Nhưng sau đó, Ayu phát hiện điện thoại của mọi người đều mất sóng và không thể kết nối được Internet.

“Khi bố tôi bật TV để kiểm tra, chỉ có đúng một kênh truyền hình quân đội còn hoạt động. Trời ơi, đó là kênh duy nhất chúng tôi có”, Ayu nói với Zing qua Facebook vào tối 1/2.

“Cả một ngày, họ lặp đi lặp lại tin nóng về việc quân đội tuyên bố tình trạng khẩn cấp do mâu thuẫn với chính quyền về kết quả bầu cử, còn lại là phát nhạc quân đội. Họ không hề đề cập đến tin tức về bà Aung San Suu Kyi”, cô nói thêm.

Xe thiết giáp được triển khai đến khu vực bên ngoài tòa nhà quốc hội Myanmar ở thủ đô Naypyitaw vào sáng 1/2. Ảnh: Reuters.

Một ngày bị "ngắt kết nối"

Là người từng trải qua cuộc đảo chính ở Myanmar năm 1988, phản ứng đầu tiên của bố Ayu khi nghe được tin tức trên truyền hình quân đội là ra chợ mua thực phẩm. Ông cũng cố gắng hoàn thành nốt các công việc còn dang dở, trước khi tình hình có khả năng trở nên “tồi tệ hơn”.

“Bố tôi bình tĩnh hơn tôi nghĩ. Nhưng tôi không được như thế. Tôi sốc. Chúng tôi còn không liên lạc được với mẹ tôi vì bà đang làm việc ở thành phố khác”, sinh viên này kể lại.

Tại thời điểm đó, Ayu không hề biết rằng quân đội đã bắt giữ các nhà lãnh đạo chính phủ, bao gồm Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi - người được xem là lãnh đạo thực quyền - và Tổng thống Win Myint.

Reuters dẫn lời đài truyền hình quân đội Myanmar cho biết việc bắt giữ các nhà lãnh đạo là biện pháp phản ứng trước cuộc bầu cử gian lận vào tháng 11/2020, vốn có kết quả là chiến thắng áp đảo cho đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi.

Trong nhiều tuần qua, quân đội nước này cáo buộc cuộc bầu cử có nhiều điểm bất thường, và có tới 8,6 triệu trường hợp gian lận.

Trong khi đó, Ủy ban Bầu cử Myanmar đã bác bỏ cáo buộc gian lận với phiếu bầu của quân đội. Họ nói không có sai sót nào đủ lớn để ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử.

Quân đội được triển khai ở tòa thị chính thành phố Yangon sáng 1/2. Ảnh: Reuters.

Từ sáng 1/2, quân đội cũng được triển khai ở thủ đô Naypyitaw và Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar.

Nhưng mãi đến 16h chiều 1/2, khi có Internet và sóng viễn thông trở lại, Ayu mới biết những tin tức đó và thấy được bức tranh toàn cảnh về vụ chính biến ở Myanmar.

“Do không có Internet, tôi cũng không thể tham gia lớp học trực tuyến của Đại học Quốc gia Singapore vào sáng 1/2. Đến 16h, gia đình tôi mới có thể liên lạc được với mẹ”, Ayu chia sẻ.

"Ngắt kết nối" trên diện rộng

Cách thành phố Mandalay của Ayu khoảng 600 km về phía nam, cư dân ở Yangon cũng gặp phải tình trạng tương tự.

Mạnh Quyết - 26 tuổi, nhân viên một công ty viễn thông ở Yangon - cho biết mạng Internet, TV, sóng viễn thông ở đây bị mất kết nối từ khoảng 6h45 đến 11h45 ngày 1/2 (giờ địa phương).

"Đến thời điểm hiện tại, các kết nối này đã hoạt động bình thường", Quyết nói với Zing qua Facebook vào khoảng 14h chiều 1/2.

Anh cho biết mạng bị ngắt là do quân đội yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông tắt trạm phát sóng.

Theo BBC, chính phủ Myanmar có quyền yêu cầu các nhà cung cấp ngắt kết nối mạng viễn thông trong trường hợp khẩn cấp quốc gia. Điều này được quy định trong Điều 77 của Luật Viễn thông Myanmar, được thông qua vào năm 2013.

Theo đó, chính phủ nước này có thể yêu cầu hạn chế quyền truy cập, chặn một số trang web cụ thể, hạn chế băng thông hoặc ngắt hoàn toàn kết nối.

Cũng sinh sống tại Yangon, Phu* - sinh viên 21 tuổi - phát hiện mạng Internet có vấn đề từ đêm hôm trước nhưng không ngờ tình hình trở nên nghiêm trọng như vậy vào sáng 1/2.

“Sáng dậy, tôi không thể tin được vào tai mình khi đọc tin tức được đăng tải. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho Mẹ Suu Kyi và các chính trị gia khác được an toàn”, Phu nói.

Sinh viên này không thể học tập và làm việc trực tuyến hôm 1/2 vì kết nối Internet “rất bất ổn”.

“Một vài lớp học trực tuyến của tôi bị hủy vì không phải ai cũng có thể truy cập được Internet vào lúc này. Ở Yangon và nhiều nơi khác, một số công ty buộc phải đóng cửa vì bất ổn chính trị. Tôi nghĩ ảnh hưởng đối với giáo dục và kinh tế sẽ ngày càng lớn”, Phu nói với Zing.

"Tương lai mờ mịt"

Theo ghi nhận của Phu, khi có Internet trở lại, người dân bắt đầu thay ảnh đại diện trên mạng xã hội bằng hình bà Suu Kyi. Họ cũng viết đơn kiến nghị yêu cầu thả tự do cho nhà lãnh đạo của Myanmar.

“Tuy nhiên, hầu hết người dân ở nông thôn không thể truy cập mạng, vì vậy tôi cho rằng họ gần như không thể biết được chuyện gì đang xảy ra ở nước mình”, Phu nói thêm.

Ở những nơi được phủ sóng Internet, người Myanmar dường như đều lo ngại khi đọc tin tức ngày 1/2 và nghĩ về lịch sử cuộc đảo chính năm 1988.

Tại Yangon, Mạnh Quyết cho biết người dân ở đây đổ xô đến siêu thị mua thực phẩm tích trữ, "đông hơn ngày thường".

Họ cũng đứng xếp hàng dài tại các cây ATM và chi nhánh ngân hàng để chờ rút tiền mặt nhưng không được.

Người dân đứng xếp hàng trước cây ATM để chờ rút tiền ở Yangon hôm 1/2. Ảnh: Reuters.

Sau đó, Hiệp hội Ngân hàng Myanmar ra thông báo rằng các ngân hàng nước này đã đồng ý tạm dừng tất cả dịch vụ trong ngày 1/2 với lý do là kết nối Internet yếu. Các ngân hàng sẽ xin phép ngân hàng trung ương được đóng cửa tạm thời, cũng như thông báo thời điểm có thể mở lại dịch vụ.

"Tuy nhiên đường phố lại vắng vẻ hơn, do người dân sợ không dám ra đường", Quyết nói thêm.

Hiện, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing đã lên nắm quyền và Văn phòng Tổng thống Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm.

“Nếu tình trạng này kéo dài như vậy thật, cuộc sống của chúng tôi có lẽ sẽ giống như thời điểm sau năm 1988. Xã hội sẽ bị đóng cửa”, Ayu lo ngại.

Sinh viên 23 tuổi này vừa nhận được lời mời làm việc cho một công ty ở Singapore. Cô vốn lên kế hoạch bay đến Đảo quốc Sư tử vào tháng 2 để vừa làm vừa học, nhưng giờ kế hoạch đó buộc phải hủy bỏ vì sân bay đã ngưng hoạt động.

“Thật là đen đủi cho tôi. Chắc tôi phải từ chối lời mời làm việc đó nữa", Ayu tiếc nuối.

"Giờ tôi còn không biết sáng mai có Internet mà dùng không. Họ chẳng đưa ra thông báo gì cả và chắc sắp tới cũng thế. Quyền quyết định giờ nằm trong tay quân đội. Tương lai của chúng tôi giờ thật mờ mịt”, cô nói thêm.

(*):Tên nhân vật được thay đổi để đảm bảo không ảnh hưởng đến nhân vật.

Tác giả: Hương Ly - Lam Nguyễn

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến