Tội tham nhũng cần áp dụng hình phạt tử hình
27/05/2015 08:34:18
Nhiều ý kiến cho rằng cần giữ khung hình phạt tử hình đối với tội phạm tham nhũng nhằm nâng cao tính răn đe, bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao.

Tin liên quan

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ chín, Quốc hội (QH) Khóa XIII, ngày 26/5, buổi chiều, đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nhiều ý kiến tán thành với việc sửa đổi Bộ luật này nhằm thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phù hợp thực tế và yêu cầu hội nhập. Cân nhắc những tội danh có khung hình phạt tử hình

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ luật lần này được sửa đổi cơ bản và toàn diện nhằm hướng tới việc đổi mới nhận thức về chính sách hình sự mà trọng tâm là đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, về chính sách xử lý đối với một số loại tội phạm và loại chủ thể phạm tội. Tuy nhiên, nhiều nội dung của dự án Bộ luật cần được quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa, trong đó có những nội dung liên quan đến hạn chế án hình phạt tử hình và áp dụng xử lý hình sự đối với pháp nhân.

Nhiều ý kiến tán thành với dự án Bộ luật loại bỏ bảy tội danh có khung hình phạt tử hình trong tổng số 22 tội danh như hiện nay, tuy nhiên đối với tội tham nhũng cần áp dụng hình phạt tử hình. Các đại biểu Nguyễn Đức Châu (Quảng Trị), Phan Văn Trường (Thái Nguyên) cho rằng, Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng với nhiều biện pháp quyết liệt và coi tham nhũng là quốc nạn cần được xử lý nghiêm. Do vậy, cần giữ khung hình phạt tử hình đối với tội phạm tham nhũng nhằm nâng cao tính răn đe, bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao. Cùng có chung quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng, hiện nay có nhiều tội danh áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình, trong đó có tội buôn bán ma tuý.

Nhiều người phạm tội về ma tuý do nghèo đói, thiếu hiểu biết đã thực hiện hành vi buôn bán ma tuý dẫn đến bị xử tử hình. Trong khi đó, tội phạm tham nhũng là những người có trình độ, hiểu biết pháp luật nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, nếu loại bỏ tội tham nhũng ra khỏi những tội danh có khung hình phạt tử hình sẽ không phù hợp, không bảo đảm công bằng trong thực thi pháp luật.

Liên quan đến nội dung này, nhiều ý kiến đề nghị không nên bỏ tội danh cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ra khỏi các quy định của Bộ luật. Vì thực tế, muốn chứng minh một người có hành vi tham nhũng, cần phải chứng minh được người đó cố ý làm trái nhằm mục đích vụ lợi. Nếu bỏ tội danh cố ý làm trái, trong nhiều trường hợp dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, trong đó có tội tham nhũng.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)

Thí dụ như ở Lâm Đồng, có công ty xổ số năm nào cũng kiểm toán thế nhưng khi công an vào cuộc thì lại phát hiện ra là làm sai. Bảo là tham nhũng lãng phí thì còn khó, chứ làm sai thì cái này rõ ràng kiểm toán phải biết chứ! Bây giờ trường hợp đó bị khởi tố bắt giam thì kiểm toán có phải đồng phạm không? Nếu như kiểm toán quyền lớn thì phải đi liền với trách nhiệm...

Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ)

Pháp luật hình sự có tính chất chuyên ngành cao, với những điều, khoản có chức năng điều chỉnh những quyền rất lớn của con người. Do vậy, những chế tài về hình sự chỉ nên quy định trong Bộ luật Hình sự, không nên mở rộng theo hướng quy định chế tài hình sự tại các luật chuyên ngành khác.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội)

Bên cạnh áp dụng chế tài hình sự đối với pháp nhân, cần quy định cụ thể chế tài xử lý hình sự đối với các cá nhân có trách nhiệm trong pháp nhân đó. Tránh tình trạng, tập thể hóa trách nhiệm cá nhân, dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Theo báo Nhân Dân

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến