Theo đó, Cục Thủy sản nhận định nguyên nhân ban đầu do nắng nóng, mật độ lồng nuôi cao, lượng oxy hòa tan thấp làm suy giảm sức đề kháng trên tôm nuôi, là cơ hội cho tác nhân gây bệnh xâm nhập.
Cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị chuyên môn sớm xác định nguyên nhân cụ thể gây chết đối với tôm hùm bông; hướng dẫn người nuôi thu gom toàn bộ xác tôm chết lên bờ xử lý, không để ô nhiễm môi trường.
Tôm hùm bông chết nhiều tại vùng nuôi thuộc thôn Hà Già, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh minh họa: Báo Tin tức)
Địa phương cũng cần áp dụng các biện pháp phòng, trị bệnh trên tôm hùm bông và các đối tượng thủy sản nuôi khác, vệ sinh, sát trùng toàn bộ lưới lồng, dụng cụ nuôi, tạo điều kiện trao đổi nước giữa, trong và ngoài lồng nuôi.
Các địa phương có tôm hùm bông được yêu cầu chủ động xây dựng phương án khi có thời tiết chuyển mùa, từ tháng 4-6, như che lưới trên bề mặt ô/lồng nuôi, hạ lồng đến mức nước phù hợp; dự phòng oxy tươi nguyên chất phòng khi tôm hùm nuôi thiếu oxy cục bộ.
Với vùng có nguy cơ cao về môi trường, Cục Thủy sản khuyến cáo nên di chuyển lồng bè đến nơi an toàn, có điều kiện môi trường phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi.
Theo Cục Thủy sản, hiện kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường và theo dõi sức khỏe tôm hùm nuôi tại một số tỉnh trọng điểm khu vực Nam Trung Bộ 3 tháng đầu năm cho thấy nhiệt độ nước trung bình tại các điểm quan trắc vùng nuôi tôm hùm cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Thông số về môi trường cũng vượt giới hạn cho phép, chất lượng môi trường nước tiếp tục có xu hướng suy giảm.
Dự báo đến hết tháng 6, một số thông số môi trường tiếp tục biến động bất lợi, mật độ vi khuẩn Vibrio tăng cao rất dễ xảy ra hiện tượng phù dưỡng thuỷ vực, nguy cơ dẫn đến tảo nở hoa, làm ôxy hoà tan giảm mạnh vào thời điểm nắng nóng gay gắt.
Trước đó, Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa cũng thông tin về tình trạng tôm chết nhiều tại thôn Hà Già, xã Vạn Hưng, Vạn Ninh.
Khu vực nuôi tôm hùm bông có độ sâu vùng nuôi từ 6 - 6,5m, độ sâu lồng thả 4m nước, chủ yếu là tôm hùm xanh. Mật độ thả nuôi khoảng 200 - 300 con/lồng. Nguồn gốc con giống không xác định được và được mua từ thương lái ở thành phố Cam Ranh. Thức ăn cho tôm hùm là dạng thức ăn tươi (hàu và cá tạp). Tôm hùm nuôi được 5 tháng, kích cỡ 150 - 200gr/con.
Từ 20 - 30 ngày gần đây, tôm hùm có hiện tượng chết nhiều, mỗi ngày chết 3-30 con/hộ nuôi. Nhiệt độ nước khu vực nuôi năm nay được cho là nóng hơn so với cùng kỳ năm 2023 và tôm chết với dấu hiệu nghi bệnh sữa.
Đơn vị này cũng lấy mẫu đánh giá các yếu tố môi trường khu vực xảy ra tôm hùm chết vào ngày 8/4/2024 và cho kết quả các yếu tố môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép.
Trong khi đó, trả lời VTC News chiều 12/4, ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh - cho biết, có tình trạng tôm hùm chết nhưng không quá nhiều. “Thời gian gần đây, thời tiết thay đổi, một số lồng tôm của người chăn nuôi chết lẻ tẻ. Đây là hiện tượng bình thường, bởi mỗi lồng tôm nuôi từ 100 - 120 con, chết vài đến vài chục con là không quá nhiều”, ông Ý nói.
Được biết, huyện Vạn Ninh hiện có khoảng 35.000 lồng nuôi tôm, trong đó 50% là tôm hùm xanh, 50% là tôm hùm bông. Đây là vùng có nuôi có mật độ thả nuôi cao, trên 17 con/m2.
Tác giả: Phạm Duy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy