Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) - đơn vị nắm phần lớn thị phần ngành đường sắt và do Nhà nước sở hữu 100% vốn mới đây đã công bố báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch SXKD năm 2021. Theo đó, tất cả các chỉ tiêu đã cho thấy bức tranh về một năm đầy khó khăn của ngành đường sắt.
Cụ thể, trong năm 2021, sản lượng vận tải hàng hóa tăng trưởng tốt đạt trên 5,6 triệu tấn hàng hóa bằng 122% so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, vận tải hành khách lại có mức suy giảm nghiêm trọng khi chỉ đạt trên 1,45 triệu người, mức không quá 50% so với kế hoạch kinh doanh trong năm 2021 (trên 3 triệu hành khách).
Về các chỉ tiêu tài chính, doanh thu hợp nhất của VNR đạt 6.773 tỷ đồng. Sau khi thấu trừ các chi phí lợi nhuận sau thuế âm hơn 585 tỷ đồng. Các chỉ số mặc dù cho thấy một năm tiếp tục khó khăn với ngành đường sắt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tuy nhiên cũng có những chỉ dấu tích cực so với năm 2020. Theo đó, năm 2020 lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này âm đến 1.300 tỷ đồng trong khi doanh thu hợp nhất cũng chỉ đạt mức 6.281 tỷ đồng.
Trong năm 2021, VNR cũng đã nộp gần 480 tỷ đồng thuế vào ngân sách nhà nước đồng thời tổng doanh thu thực hiện các sản phẩm dịch vụ công ích trị giá 2.820 tỷ đồng.
Riêng công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - ghi nhận doanh thu năm 2021 gần 4.012 tỷ đồng, gấp 2.5 lần so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế âm gần 565 đồng, giảm lỗ gần 19,3% so với với kế hoạch.
Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 do Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, trong năm 2021, Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải đạt doanh thu 1.600 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là âm 700 tỷ đồng; nộp ngân sách 150 tỷ đồng.
Thực tế, kết quả kinh doanh trong năm 2021 với cả ba tiêu chí bao gồm doanh thu, lợi nhuận sau thuế, nộp ngân sách nhà nước đều vượt chỉ tiêu đề ra.
Hai mũi nhọn vận tải nợ đến hơn 2.300 tỷ đồng
Tính đến hết năm 2021, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có 25 công ty con nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng mức đầu tư vào các công ty này là gần 1.389 tỷ đồng.
Trong đó, mức đầu tư lớn nhất là tại Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội hơn 733 tỷ đồng và tại Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn gần 395 tỷ. Đây cũng là 2 công ty có quy mô lớn nhất trong tổng số 25 công ty có vốn góp của VNR. Cả hai đơn vị này trong hai năm gần đây cũng ghi nhận mức lợi nhuận âm.
Với Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, năm 2020 âm hơn 196 tỷ đồng và năm 2021 âm gần 122 tỷ. Tuy vậy, năm ngoái doanh nghiệp này giảm lỗ gần 74,5 tỷ đồng so với năm 2020.
Tương tự, năm ngoái Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn ghi nhận mức lỗ gần 139 tỷ đồng. Doanh thu thuần xấp xỉ 893,6 tỷ đồng, giảm hơn 358 tỷ đồng so với 2020.
Tổng nợ phải trả của hai công ty này cũng lên đến hơn 2.300 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh của ngành đường sắt giảm sút nghiêm trọng được cho là do đại dịch Covid-19. Theo đó, dịch Covid-19 kéo dài nhất là làn sóng dịch lần thứ 4 đã khiến toàn ngành phải cắt giảm số lượng tàu chạy thậm chí là dừng toàn bộ tàu chạy trong suốt nhiều tháng. Việc dừng chạy tàu ảnh hưởng lớn tới sản xuất kinh doanh, khiến các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu hành khách, hàng hoá... không đạt và giảm so với cùng kỳ.
Như trao đổi với Người Đưa Tin trước đó, ông Vũ Anh Minh Chủ tịch HĐQT VNR từng khẳng định:"Đó là giai đoạn khó khăn nhất ngành phải trải qua kể từ khi ra đời đến nay. Trước đó, chưa bao giờ chúng ta phải dừng khai thác toàn bộ tàu khách. Tuy nhiên, diễn biến của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư cùng với việc rất nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội đã dẫn đến tất cả các đoàn tàu chở khách phải tạm dừng hoạt động và phải cắt giảm các tàu hàng chuyên tuyến".
Trong khi đó, doanh nghiệp ghi nhận chi phí phát sinh phòng, chống dịch, vệ sinh toa xe, nhà ga... Điều này khiến doanh nghiệp buộc phải giảm lương, bố trí lao động làm việc luân phiên, giảm hệ số lương người lao động và các chi phí khác để giảm lỗ...
Dịch Covid-19 kéo dài nhiều tháng ở Tp. HCM và các tỉnh phía Nam khiến ngành đường sắt phải giảm nhiều đoàn tàu trong 3 tháng. (Ảnh: Hữu Thắng)
Cũng theo giải trình của VNR trong năm 2021, đơn vị này không được Bộ GTVT giao vốn để thực hiện dự án, chỉ giao vốn thu hồi ứng các năm trước. Tổng số vốn đã thực hiện thu hồi trong 6 tháng đầu năm là 808/809,173 tỷ đồng (tương đương 99,8%).
Với công tác giải ngân vốn thu hồi ứng trước vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 giao bổ sung cuối năm, Tổng công ty đã trình Bộ GTVT phân khai kế hoạch khối lượng, hoàn thành giải ngân trong năm 2021.
Đối với kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025, VNR thực hiện rà soát các công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt, ga Hàng hóa …để báo cáo Bộ GTVT trong quá trình Bộ thẩm định phê duyệt Chủ trương đầu tư các dự án giai đoạn 2021-2025.
Trong năm VNR đã tích cực báo cáo, giải trình theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền để được bố trí vốn cho các công trình triển khai, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang 2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trong năm 2021, VNR cũng không có các dự án đầu tư nhóm A, B đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đang thực hiện trong kỳ.
Hiện nay, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2021-2025 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Theo phương án đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý về chủ trương, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ thực hiện thu gọn đầu mối chi nhánh xí nghiệp đầu máy từ 5 chi nhánh xí nghiệp đầu máy thành 3 chi nhánh xí nghiệp đầu máy. Chuyển nguyên trạng toàn bộ hoạt động, tài sản, con người đang có tại 3 Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1, 2, 3 về một Ban quản lý dự án đường sắt có các điều kiện nhất về quy mô, kinh nghiệm, thực tế... để thực hiện chức năng đại diện chủ đầu tư quản lý các dự án đường sắt do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Chấm dứt hoạt động của 2 ban quản lý dự án đường sắt còn lại. Hợp nhất Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thành một công ty cổ phần vận tải đường sắt. |
Tác giả: Lê Mạnh Quốc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy