Dòng sự kiện:
Tổng cục thuế yêu cầu công khai thông tin người chây ì nợ thuế
20/10/2018 08:07:00
Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế sẽ công khai thông tin người chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định của pháp luật.

Tổng cục Thuế vừa thông báo danh sách doanh nghiệp nợ thuế để đôn đốc, cưỡng chế và công khai thông tin đến từng cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 địa phương dẫn đầu cả nước với số nợ lần lượt là 9.890 tỷ đồng và 13.530 tỷ đồng. (Ảnh: Báo Hải quan)

Theo đó, danh sách sẽ bao gồm các doanh nghiệp nợ thuế từ 5 triệu đồng trở lên trên địa bàn quản lý tại thời điểm 31/8/2018. Số tiền thuế nợ thực hiện đôn đốc, cưỡng chế nợ của một doanh nghiệp không bao gồm các khoản: tiền thuế nợ đã nộp ngân sách nhưng đang chờ điều chỉnh, tiền thuế nợ đang chờ xử lý, nợ khó thu, nợ đang khiếu nại, khiếu kiện.

Trong 16 địa phương có số thu điều tiết về ngân sách trung ương có tới hơn 77 nghìn doanh nghiệp nợ thuế trên 5 triệu đồng với số nợ là hơn 33,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số doanh nghiệp có nợ trên 90 ngày là 70 nghìn doanh nghiệp.

TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 địa phương dẫn đầu cả nước với số nợ lần lượt là 9.890 tỷ đồng và 13.530 tỷ đồng.

Căn cứ vào tình hình thu nợ trên, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục trưởng cục thuế tổ chức theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện biện pháp cưỡng chế, tiến độ thực hiện thu nợ hằng ngày để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ thu nợ và không để phát sinh nợ mới.

Đối với khoản nợ thuế từ 1 - 30 ngày, Tổng cục Thuế yêu cầu từng cục thuế phải thực hiện gọi điện, nhắn tin và gửi thư điện tử cho chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế thông báo về số tiền thuế nợ.

Đối với khoản tiền thuế nợ từ ngày 31 trở lên, các cục thuế phải ban hành thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp gửi đến từng người nộp thuế yêu cầu nộp tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.

Đối với khoản tiền thuế nợ từ 91 - 120 ngày thì phải ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp.

Đối với khoản tiền nợ thuế từ 121 ngày trở lên và đã ban hành quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản nhưng quyết định cưỡng chế đã hết hiệu lực (quá 30 ngày), doanh nghiệp chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ thì thực hiện ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. 

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế thực hiện công khai thông tin người nộp thuế chây ì nợ thuế, không đúng hạn để lên án mạnh mẽ và xử lý kiên quyết các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, chây ì, nợ thuế không thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.

Theo số liệu mới đây từ Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế nợ của 63 Cục Thuế ước tính đến thời điểm 30/9/2018 là 82.961 tỷ đồng. Số nợ này tăng 9.817 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017.

Trong đó nợ tiền thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày là 48.019 tỷ đồng (tăng 15,1% so với 31/12/2017); nợ không có khả năng thu hồi là 34.942 tỷ đồng (tăng 10,6%).

Kết quả, đến thời điểm 30/9/2018, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và đã thu được 25.382 tỷ đồng tiền thuế nợ, bằng 60,9% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2017.

Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 17.079 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 8.303 tỷ đồng.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến nhằm đánh giá công tác quản lý thu NSNN năm 2018, Bộ Tài chính đã đưa ra những giải pháp quyết liệt nhằm chống thất thu, xử lý nợ đọng, phấn đấu vượt kế hoạch dự toán Quốc hội giao trong năm nay.

Lãnh đạo Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế và các Cục Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện pháp luật về thuế, góp phần tăng thu cho NSNN.

Đối với công tác chống thất thu thuế cần bố trí đầy đủ lực lượng cho công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, doanh nghiệp có hoạt động liên kết, doanh nghiệp lỗ có dấu hiệu chuyển giá; các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, các doanh nghiệp có phát sinh thuế nhà thầu, các hoạt động chuyển nhượng vốn... Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai quyết liệt công tác chống thất thu đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh.

Về công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế tập trung thực hiện quyết liệt, đầy đủ các nội dung theo đúng yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 15/10/2018 về tăng cường công tác quản lý nợ thuế và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng thuế. Đồng thời, Tổng cục Thuế phối hợp với các đơn vị trong Bộ Tài chính, các Cục Thuế thực hiện rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách về quản lý nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế, xử lý nợ thuế đảm bảo hành lang pháp lý, tính nghiêm minh của pháp luật, phục vụ tốt cho công tác xử lý thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế.

Cơ quan thuế các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích các quy định pháp luật để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế. Công khai thông tin người chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định của pháp luật. Kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với những đơn vị trong cơ quan thuế có thành tích tốt trong việc thu hồi nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế, các tổ chức, cá nhân có ý thức chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến