Dòng sự kiện:
Tổng giám đốc Nhựa thiếu niên Tiền Phong bán toàn bộ cổ phiếu NTP
17/12/2021 19:19:42
Ông Chu Văn Phương, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) vừa bán toàn bộ cổ phần mà ông đang nắm giữ tại đây.

Nhựa thiếu niên Tiền Phong vừa Báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của Tổng giám đốc Chu Văn Phương.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 17/11 đến ngày 15/12, ông Chu Văn Phương hoàn tất bán 960.623 cổ phiếu NTP theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận. Đây cũng là khoảng thời gian NTP duy trì "sắc xanh".

Sau giao dịch, Tổng giám đốc Nhựa thiếu niên Tiền Phong không còn nắm giữ cổ phần nào của công ty.

Ở chiều ngược lại, trong cùng khoảng thời gian ông Phương hoàn tất giao dịch nêu trên, Công đoàn Nhựa thiếu niên Tiền Phong hoàn tất mua 415.000 cổ phiếu trong khi đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu.

Không đủ lực cung là lý do khiến lượng cổ phiếu NTP được đơn vị này mua vào không đạt kỳ vọng. Như vậy, sau giao dịch, Công đoàn Nhựa thiếu niên Tiền Phong nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 1,67% vốn (tương đương gần 2 triệu cổ phiếu).

Trước đó, từ ngày 3/11 đến 10/11, Công đoàn công ty này đã mua vào 100.000 cổ phiếu NTP, trong khi vợ Phó tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong bán 100.000 cổ phiếu.


Diễn biến giá cổ phiếu NTP từ đầu năm đến nay. (Nguồn: TV).

Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cũng là một trong 6 doanh nghiệp nắm trong kế hoạch thoái vốn của Nhà nước bên cạnh Công ty cổ phần FPT (FPT), Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) và Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (BHN).

Trong năm 2022, Cục Tài chính doanh nghiệp dự kiến thu về 10.000 tỷ đồng từ nguồn thu cổ phần hóa và thoái vốn giai đoạn trước chưa nộp ngân sách Nhà nước hoặc đang để tại địa phương.


Danh sách một số doanh nghiệp có vốn Nhà nước phải cổ phần hoá trong năm 2021 theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TOT (Nguồn: VNDirect).

Về kết quả kinh doanh, luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, công ty này ghi nhận doanh thu thuần 3.355 tỷ đồng (gần như đi ngang so với cùng kỳ) và lãi ròng 347,6 tỷ đồng (tăng 1,6%).

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của Nhựa Tiền Phong âm 107,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 dương hơn 564 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 6,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp này đã trả nợ gốc vay là 1.653 tỷ đồng, đồng thời vay thêm 2.445 tỷ đồng.

Tổng tài sản đến cuối kỳ của công ty này tăng 31% so với đầu năm, lên 5.107 tỷ đồng.

Trong đó, tài sản ngắn hạn tăng 77%, với hơn 2.970 tỷ đồng bao gồm các khoản tương đương tiền tăng mạnh lên 600 tỷ đồng và hàng tồn kho vọt lên 1.291 tỷ đồng từ mức 644 tỷ đồng hồi đầu năm nay.

Đồng thời, nợ phải trả cũng tăng 77% lên 2.312 tỷ đồng với phần lớn là nợ ngắn hạn (vay và nợ thuê tài chính hơn 1.736 tỷ đồng).

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối kỳ của Nhựa Tiền Phong ở mức 582 tỷ đồng.

Tác giả: Hồng Phúc

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến