Ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình từ khi đảm nhận chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ? Có ý kiến cho rằng ông sẽ chịu nhiều áp lực, nhất là trong giai đoạn nước ta đang chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, xây dựng bộ máy liêm chính?
Khi được Chính phủ đề nghị, Quốc hội tin tưởng, phê chuẩn giữ chức vụ Tổng Thanh Tra Chính phủ, tôi rất xúc động và không khỏi lo lắng.
Đây là vị trí công tác rất quan trọng trong giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, phát hiện, kiến nghị xử lý vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái
Khi đó, trên cương vị mới, trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước, tôi đã hứa sẽ cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của ngành Thanh tra đoàn kết, nỗ lực phấn đấu với mức cao nhất để hoàn thành tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Sau hơn 2 tháng đảm nhận chức vụ, tôi thấy nhiệm vụ đặt ra với Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra rất nặng nề.
Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức thanh tra phải không ngừng nỗ lực phấn đấu, thường xuyên rèn luyện để có đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu; làm việc phải công tâm, khách quan, thận trọng mới có thể phân tích, đánh giá, kết luận, kiến nghị các biện pháp giải quyết, xử lý phù hợp, kịp thời.
Người đứng đầu ngành Thanh tra còn phải có tầm nhìn bao quát, chịu được áp lực trong triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao.
Theo ông, năm 2017 ngành thanh tra đã đạt được những kết quả gì và còn những hạn chế nào cần phải khắc phục?
Năm qua, công tác thanh tra đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn ngành đã phát hiện vi phạm về kinh tế 67.754 tỷ đồng, 17.586 ha đất, đã kiến nghị thu hồi 43.321 tỷ đồng, 4.941ha đất...
Với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì đã có những chuyển biến rõ nét. Ngành Thanh tra cũng đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp tập trung kiểm tra, rà soát các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài trên phạm vi cả nước để đề xuất giải pháp giải quyết dứt điểm, qua đó góp phần “hạ nhiệt” tình hình khiếu nại, tố cáo, xử lý được nhiều điểm nóng, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Ngành cũng tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là, kê khai tài sản, thu nhập, kiểm tra việc thực hiện công khai, minh bạch và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn...
Tuy nhiên, công tác của ngành còn những hạn chế, tồn tại. Một số cuộc thanh tra triển khai chậm hoặc còn để kéo dài thời gian kết luận.
Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo giải quyết còn chậm, chưa dứt điểm. Các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, số vụ việc phát hiện còn ít so với thực tế vi phạm.
Trong khi đó, cơ cấu, tổ chức của các cơ quan thanh tra chưa hợp lý, thiếu sự đồng bộ. Chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra còn hạn chế.
Thậm chí, khi gặp những vụ việc khó khăn, phức tạp, vẫn có một số cán bộ, công chức thanh tra chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, chưa dám đương đầu đấu tranh và kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, tham nhũng, thất thoát…
Những hạn chế trên, cùng với thực trạng vi phạm pháp luật diễn ra còn nhiều; tham nhũng vẫn nghiêm trọng, tinh vi; tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp đặt lên vai ngành Thanh tra nhiệm vụ nặng nề.
Đây cũng chính là trăn trở lớn nhất của tôi khi nhận trách nhiệm lớn trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước.
Xử nghiêm hành vi tham nhũng
Theo ông, ngành Thanh tra cần có những hành động mạnh mẽ gì trong thời gian tới?
Theo tôi, đầu tiên là thực hiện thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có sai phạm, tiêu cực, tham nhũng.
Chủ động thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các vụ việc mới phát sinh ngay từ cơ sở; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương có liên quan tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, không để phát sinh điểm nóng.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, chủ động tham mưu các ngành, các cấp tổ chức thực hiện bảo đảm quán triệt quan điểm, mục tiêu, giải pháp của Đảng, Nhà nước và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trên quan điểm phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng là quan trọng, cấp bách.
Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền trong xử lý tham nhũng.
Đồng thời, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thi hành công vụ; cán bộ, công chức thanh tra phải “thanh sạch, gương mẫu, khách quan, công tâm” như lời căn dặn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo Vietnamnet
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy