Tâm lý nhà đầu tư vẫn rất thận trọng, bảng điện tử luôn có sự phân hóa cao và không có nhóm ngành nào quá nổi bật, nhưng có một số cổ phiếu đáng chú ý đang có câu chuyện riêng như YEG, SBS, BII.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 3,9 điểm (-0,3%), xuống 1.284,08 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 4% so với tuần trước đó lên 81.169 tỷ đồng, khối lượng tăng 4,1% lên 2.914 triệu cổ phiếu.
HNX-Index giảm 4,04 điểm (-1,3%), xuống 306,44 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 17,5% so với tuần trước lên 12.050 tỷ đồng, khối lượng tăng 12,8% lên 473 triệu cổ phiếu.
Tuần này, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn tăng tốt nhất nhờ giá xăng, dầu tiếp tục leo cao, với BSR (+9,8%), PVS (+5,1%), PXS (+9,9%), PLX (+3,5%), PGD (+5,5%), dù vậy, sự ưu ái không dành cho tất cả, khi không ít mã giảm điểm như GAS (-4,4%), PSH (-2%), CNG (-6,5%)…
Các nhóm ngành khác phân hóa mạnh và phần lớn biến động trong biên độ hẹp, như ở nhóm trụ cột ngân hàng với BID (-1,6%), CTG (-1,1%), TPB (-6,8%), SHB (-1%), OCB (-3,1%), ACB (-0,4%), và ở chiều ngược lại là VPB (+0,5%), STB (+3,6%), HDB (+2%), MBB (+0,4%), VCB (+0,26%), TCB (+4,2%)…
Trên sàn HOSE, cổ phiếu YEG có thêm một tuần tăng khá mạnh, sau khi đã vọt hơn 31% trong tuần trước đó. Câu chuyện tại YEG đang thu hút được sự quan tâm không nhỏ của thị trường là những biến động mạnh trong cơ cấu cổ đông và ban lãnh đạo. Mới nhất là việc ông Nguyễn Hữu Thanh đã bán ra hơn 1,55 triệu cổ phiếu YEG trong ngày 6/6 và chỉ còn nắm giữ hơn 247.000 cổ phiếu, tỷ lệ 0,8%.
Nhóm cổ phiếu tiện ích, trong đó, các cổ phiếu ngành điện gần đây tăng tốt và tuần này ghi nhận có cặp mẹ-con là POW và NT2 đều xuất hiện trong top những mã tăng cao nhất HOSE, dù mức tăng không quá ấn tượng.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu TGG chưa thoát khỏi chuỗi ngày bị bán tháo và vẫn là mã giảm sâu nhất trên sàn. Ngoài TGG, nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao như HAI, ROS, HBC, DRH cũng chịu chung số phận bị nhà đầu tư xả không tiếc tay.
Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu nhà Louis cũng là điểm nhấn với BII, khi vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 trong bối cảnh không có bất kỳ nhân sự nào trong HĐQT.
Dù vậy, kế hoạch kinh doanh năm 2022 của BII đặt ra vẫn gây bất ngờ với nhiều nhà đầu tư, với mục tiêu 320 tỷ đồng tổng doanh thu, giảm 35% so với thực hiện năm 2021, nhưng lợi nhuận sau thuế 50,8 tỷ đồng, tăng 156%.
Trên UpCoM, nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất đáng chú ý có SBS của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, khi giao dịch sôi động, luôn nằm trong top thanh khoản cao nhất thị trường.
Trong tuần trước, Đại hội cổ đông thường niên của SBS đã diễn ra và có một số thông tin mới đáng chú ý như việc đổi tên và chuyển trụ sở.
Ngoài ra, SBS còn có kế hoạch phát hành riêng lẻ 150 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, qua đó, tăng vốn từ 1.227 tỷ đồng lên 2.767 tỷ đồng.
Tác giả: Lạc Nhạn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy