Dòng sự kiện:
Top 10 địa phương có thu nhập bình quân lao động cao nhất cả nước
26/02/2022 19:38:04
Năm 2020, Đồng Nai vươn lên vị trí thứ 2 trong top 10 địa phương có thu nhập bình quân tháng lao động cao nhất, trong khi Hà Nội lại tụt xuống vị trí thứ 3.

Tp.HCM tiếp tục đứng đầu trong top 10

Đại dịch Covid-19 khiến thị trường lao động Việt Nam gặp nhiều sóng gió, lần đầu tiên trong 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về số người tham gia thị trường lao động và số người có việc làm.

Do đó, thu nhập bình quân của người lao động cũng theo đó bị thâm hụt. Các chỉ tiêu về tỉ lệ thất nghiệp, tỉ lệ thiếu việc làm đều tăng cao, trái ngược hẳn với xu thế giảm trong các năm gần đây.

Theo báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2020 Tổng cục Thống kê mới công bố, thu nhập từ việc làm bình quân/tháng năm 2020 của lao động làm công ăn lương là 6,6 triệu đồng/tháng. Trong đó, nam giới có thu nhập từ việc làm bình quân/tháng cao hơn so với nữ giới (6,92 triệu đồng và 6,17 triệu đồng).

Trong bảng xếp hạng, Tp.HCM tiếp tục đứng đầu trong top 10 địa phương có thu nhập từ việc làm bình quân tháng của lao động cao nhất với 8,439 triệu đồng/người/tháng, song mức thu nhập này có xu hướng giảm so với năm 2019 (8,619 triệu đông/người/tháng).

Trong năm 2019, Đồng Nai xếp thứ tư cả nước (7,657 triệu đồng/người/tháng), song tới năm 2020, địa phương này đã vươn lên vị trí thứ hai với 8,008 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, Hà Nội tụt xuống từ vị trí thứ hai năm 2019 (8,207 triệu đồng/người/tháng) xuống vị trí thứ ba với 7,721 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, địa phương xếp thứ ba năm 2019 là Bình Dương (7,997 triệu đồng/người/tháng) cũng tụt xuống vị trí thứ tư với 7,570 triệu đồng/người/tháng. Các địa phương khác cũng nằm trong Top 10 là Bắc Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Hải Dương và Vĩnh Phúc.

Xét theo vùng kinh tế - xã hội, Đông Nam Bộ là khu vực có thu nhập từ việc làm bình quân tháng của người lao động cao nhất với 7,872 triệu đồng/người/tháng.

Tiếp theo là khu vực Đồng bằng sông Hồng với 6,905 triệu đồng/người/tháng, khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với 6,091 triệu đồng/người/tháng.

Ba nhóm ngành có thu nhập cao nhất năm 2020

Xét theo ngành kinh tế, thu nhập từ việc làm bình quân/tháng thay đổi từ mức thấp nhất là của ngành nông, lâm, thủy sản (khoảng 4,3 triệu đồng) đến mức cao nhất là của ngành hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế, khoảng 12,1 triệu đồng.

Nếu trừ nhóm ngành hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế do có số lao động chiếm trong mẫu nhỏ, độ tin cậy thấp, thì đứng đầu trong Top 10 ngành kinh tế có thu nhập bình quân lao động làm công ăn lương cao nhất là hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm với 9,608 triệu đồng/người/tháng.

Đứng thứ hai là ngành thông tin và truyền thông với 9,538 triệu đồng/người/tháng. Đứng thứ ba là hoạt động kinh doanh bất động sản với 9,071 triệu đồng/người/tháng.

Hầu hết nhóm nghề đều có mức thu nhập từ việc làm bình quân/tháng cao hơn 5 triệu đồng, chỉ riêng có nhóm lao động giản đơn có mức thu nhập thấp nhất là gần 4,9 triệu đồng.

Nhóm "Nhà lãnh đạo" và "Chuyên môn kỹ thuật bậc cao" có mức thu nhập từ việc làm bình quân/tháng cao nhất, tương ứng là 10,5 triệu đồng và 8,8 triệu đồng.

Đông Nam Bộ có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, so sánh giữa các vùng kinh tế - xã hội, Đông Nam Bộ hiện là vùng có tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi cao nhất (3,23%), tiếp theo là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (3,16%).

Tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất thuộc về hai khu vực - Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên (tương ứng là 1,06% và 1,66%). Tp.HCM có tỉ lệ thất nghiệp cao hơn nhiều so với Hà Nội (3,91% so với 2,11%).

Phân tổ tỉ lệ thất nghiệp theo trình độ cho thấy nhóm những người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất, tương ứng là (6,07% và 4,26%) và những người chưa từng đi học và chưa tốt nghiệp Tiểu học có tỉ lệ thấp nhất (1,35% và 1,67%).

Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, hiện trạng này là do nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp thường sẵn sàng làm các công việc giản đơn và không đòi hỏi chuyên môn cao với mức lương thấp trong khi những người có trình độ học vấn cao lại cố gắng tìm kiếm công việc với mức thu nhập phù hợp hơn.

Ngoài ra, chính sách tuyển lao động của các nhà tuyển dụng đối với nhóm lao động có trình độ cao cũng ảnh hưởng đến tỉ lệ này, bởi yêu cầu đối với lao động đã qua đào tạo ở các trình độ càng cao càng khắt khe hơn so với lao động giản đơn và cũng do nhóm lao động đã qua đào tạo thường có yêu cầu về mức thu nhập cao hơn nhóm lao động giản đơn.

Điều này phần nào phản ánh chất lượng việc làm của thị trường lao động Việt Nam hiện vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến