Đề xuất giảm 50% phí cảng biển
Trước bức xúc của các doanh nghiệp và sau cuộc họp với các bộ, ngành và UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu TP HCM phải xem xét việc thu phí khác nhau đối với hàng hóa mở tờ khai tại Thành phố và hàng hóa mở tờ khai tại địa phương khác.
Mới đây, Sở GTVT TP HCM – cơ quan tham mưu cho UBND TP HCM về vấn đề này, đã đề xuất mức thu phí hạ tầng cảng biển của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng xuất nhập khẩu tại các địa phương khác được hưởng mức phí hỗ trợ như các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng xuất nhập khẩu tại TP HCM.
Hiện nay, hàng hóa mở tờ khai tại các địa phương khác phải đóng phí hạ tầng cảng biển cao hơn hàng hóa mở tờ khai tại TP HCM.
Đồng thời, Sở GTVT TP HCM đề xuất giảm 50% mức phí đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa.
Việc này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện thủy góp phần giảm ùn tắc giao thông và hạn chế tai nạn giao thông đường bộ, giảm dần sự phụ thuộc vào đường bộ.
Hiện, mức thu thấp nhất 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP HCM); cao nhất 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, chuyển khẩu).
Về loại hàng hóa thu phí, đối với hàng chuyển khẩu là loại hàng không phải làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu khỏi Việt Nam. Quá trình vận chuyển hàng hóa có thể không qua cửa khẩu Việt Nam. Trong trường hợp hàng chuyển khẩu không xếp dỡ hàng xuống khu vực cửa khẩu, mà vẫn phải nộp phí hạ tầng cảng biển như các loại hàng khác là chưa hợp lý.
Do đó, Sở GTVT TP HCM đề nghị đối với hàng chuyển khẩu có hoạt động sếp dỡ xuống khu vực cửa khẩu cảng biển mới thu phí và mức thu bằng mức thu hàng hóa xuất nhập khẩu là phù hợp.
Sở GTVT TP HCM kiến nghị UBND TP HCM xem xét chấp thuận, trình HĐND TP HCM xem xét điều chỉnh trong tháng 7 tới.
Vẫn mong muốn... giảm phí
Theo trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Sở GTVT TP HCM đã có văn bản gửi đến các đơn vị liên quan nhằm xin ý kiến về dự thảo quy định mới.
Trong văn bản phúc đáp, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết thống nhất với nội dung của Dự thảo đồng thời khẳng định nội dung đề xuất tại Dự thảo sẽ góp phần thúc đẩy vận tải hàng hóa bằng đường thủy, qua đó tận dụng được điều kiện tự nhiên của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, cũng liên quan đến đề xuất giảm 50% mức phí, Cục Đường thủy nội địa đề nghị Sở GTVT TP HCM xem xét tỷ trọng đoạn tuyến đường thủy mà TP HCM đang thực hiện quản lý, đầu tư, bảo trì trong tổng số kết cấu hạ tầng đường thủy kết nối cảng biển (khoảng 185km) để tính toán, đề xuất tỷ lệ giảm phí phù hợp hơn, đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của giao thông vận tải đường thủy nội địa.
Cũng cơ bản đồng ý với đề xuất của Sở GTVT TP HCM, Cảng vụ Hàng hải TP HCM cho biết lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực TP HCM đã suy giảm trong tháng 4,5/2022 so với cùng kỳ năm 2021 (kể từ khi chính thức thu phí).
Do đó, Cảng vụ Hàng hải TP HCM đề nghị tiếp tục nghiên cứu, xem xét điều chỉnh mức thu phí theo hướng giảm thêm đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa để thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.
Trong văn bản góp ý gửi Sở GTVT TP HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đề nghị giảm 94,2% thay vì 50% đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được vận chuyển hoàn toàn bằng phương tiện thủy nội địa như dự thảo Nghị quyết đề cập.
Trước đó, sau nhiều kiến nghị của các Hiệp hội, doanh nghiệp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu TP HCM phải xem xét việc thu phí khác nhau đối với hàng hóa mở tờ khai tại Thành phố và hàng hóa mở tờ khai tại địa phương khác.
Lý giải điều này, Hiệp hội cho biết, mức giảm 50% không phù hợp với thực tiễn, đồng thời đưa ra căn cứ pháp lý và thực tiễn của hoạt động vận tải thủy nội địa để lý giải đề xuất giảm 94,2%.
Hiện nay phương tiện thủy nội địa vận chuyển hàng xuất khẩu, nhập khẩu chủ yếu sử dụng 3 tuyến vận tải thủy nội địa đi qua địa bàn của Tp.HCM. Trong 3 tuyến vận tải thủy chính trên, phương tiện thủy nội địa vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chỉ sử dụng tổng cộng 21,6 km hạ tầng đường thủy Tp.HCM là: Tắc Sông Trà (dài 1,3 km), Rạch Lá (dài 13,9 km) và Rạch Bà Cua (dài 6,4 km).
Theo dự thảo tờ trình gửi HĐND TP HCM, Sở GTVT đã nêu hạ tầng kết nối cảng biển TP HCM bao gồm 361,25 km (trong đó 185 km đường thủy và 176,25 km đường bộ).
Tuy nhiên vận tải đường thủy nội địa chỉ sử dụng 21,6 km (chiếm tỷ trọng 5,98%) trong tổng số 361,25 km hạ tầng kết nối đến cảng biển của thành phố. Như vậy, mức giảm phí đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa phải là 94,02% mới đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Phí, lệ phí và mức độ sử dụng của vận tải đường thủy nội địa.
Bên cạnh đó, tình hình giá dầu thế giới hiện nay đang tăng cao, diễn biến phức tạp, là một khó khăn rất lớn cho sự phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc xem xét của Sở GTVT TP HCM về đề xuất giảm tối đa chi phí vận tải thủy đối với hàng hóa xuất nhập khẩu rất có ý nghĩa trong hoàn cảnh hiện tại.
Tác giả: Lê Mạnh Quốc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy