Dòng sự kiện:
TP HCM: Gần 70% mẫu thịt nhiễm khuẩn gây bệnh viêm dạ dày, ruột
30/01/2018 07:05:36
Đó là kết quả nghiên cứu do Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (OUCRU) thực hiện tại TP.HCM vừa được công bố.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã mua 117 mẫu thịt gà, bò, lợn từ các điểm siêu thị và chợ truyền thống trong thành phố từ tháng 10/2016 đến tháng 3/2017. Kết quả phân tích vừa được công bố cho thấy 80 mẫu (68,4%) bị nhiễm vi khuẩn salmonella.

Thịt nhiễm vi khuẩn salmonella nếu không nấu chín kỹ có thể khiến người ăn bị viêm dạ dày ruột. Vi khuẩn salmonella trong khảo sát này là loại không gây bệnh thương hàn. Người nhiễm khuẩn hầu hết đều tự khỏi, một số trường hợp diễn biến nặng, tùy vào lượng salmonella nhiễm.

Gần 70% mẫu thịt kiểm tra bị nhiễm vi khuẩn salmonella.

Theo bà Nguyễn Thị Nhung - Nhà vi sinh học tại OUCRU, đồng thời là tác giả chính của đề tài, tỷ lệ các mẫu thịt (mỗi mẫu 25g) nhiễm salmonella tại Châu Âu là 2,26% (thịt gà); 0,62% (thịt heo) và 0,23% (thịt gà). Tỷ lệ tương ứng trong nghiên cứu của OUCRU với mẫu thịt lấy từ TP.HCM là 71,8% (thịt gà), 70,7% (thịt heo) và 62,2% (thịt bò).

"Đây là tỷ lệ nhiễm khuẩn salmonella rất cao. Đặc biệt có hơn 50% số vi khuẩn thuộc chủng đa kháng thuốc, có nghĩa là khi nhiễm bệnh thì khó có thuốc điều trị", bà Nhung cho hay.

Theo bà Nhung, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra tính kháng sinh của các chủng vi khuẩn salmonella phân lập từ thịt. Các chủng salmonella được nuôi trong phòng thí nghiệm rồi kiểm tra độ nhạy với 32 thuốc kháng sinh. Có đến 52,2% các chủng salmonella đa kháng thuốc, nghĩa là kháng với ít nhất 3 nhóm kháng sinh.

Một chủng từ thịt lợn thể hiện tính kháng với colistin. Đây là lần đầu tiên vi khuẩn kháng với colistin được tìm thấy trên thịt ở Việt Nam. Colistin là thuốc kháng sinh dùng để trị bệnh nhiễm khuẩn nặng, thường chỉ được sử dụng cho người như giải pháp cuối cùng, khi các thuốc khác không hiệu quả.

Trong môi trường và khí hậu của Việt Nam, khó có thể ngăn cản sự xâm nhập của các loại vi khuẩn vào thực phẩm tươi sống. Do đó để phòng tránh lây nhiễm, ngoài việc thực hiện ăn chín, uống chín các chuyên gia khuyến cáo người chế biến thực phẩm nên rửa tay sạch trước và sau khi chế biến, rửa sạch rau, thịt và các mặt hàng thực phẩm nói chung dưới vòi nước sạch.

Theo Công lý

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến