Dòng sự kiện:
TP HCM giảm dần hút nước ngầm để chống lún, ngập
22/06/2018 14:30:06
Một trong những nguyên nhân khiến TP HCM có dấu hiệu lún trên diện rộng dẫn đến ngập lụt là do khai thác nước ngầm quá mức. Việc này cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.

Một hộ dân ở TP.HCM dùng nước giếng để sinh hoạt. Ảnh: Quang Định

Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Nhã - trưởng phòng tài nguyên nước, khoáng sản và biển đảo Sở TN-MT TP.HCM cho biết sở đã có kế hoạch cụ thể để giảm khai thác và bảo vệ nguồn nước ngầm.

Thực trạng khai thác nước ngầm trên địa bàn TP.HCM hiện nay thế nào, thưa ông?

Hiện nay, nhu cầu khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn TP là 716.581 m3/ngày.

Trong đó hộ dân khai thác 355.859 m³/ngày, khu chế xuất - khu công nghiệp 58.150 m3/ngày, bên ngoài khu chế xuất - khu công nghiệp nhưng không phải hộ gia đình 172.572 m3/ngày, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) 130.000 m3/ngày.

Để bảo vệ nguồn nước ngầm, hiện đã có kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP?

UBND TP đã ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP đến năm 2025.

Theo đó, từ nay đến năm 2025 sẽ giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP còn 100.000 m3/ngày.

Đồng thời thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật nhằm bảo vệ nguồn nước, hạn chế ô nhiễm.

Bên cạnh đó, phải cung cấp nước sạch cho người dân, doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, lưu lượng và áp lực nước theo yêu cầu. Nâng cao ý thức người dân, cộng đồng trong việc sử dụng nước sạch để đảm bảo sức khỏe.

Cụ thể Sở TN-MT TP đã triển khai như thế nào?

Việc giảm khai thác nước ngầm sẽ hướng đến 4 nhóm đối tượng sử dụng nguồn nước dưới đất chính: hộ gia đình, khu chế xuất - khu công nghiệp, nhóm đối tượng sử dụng nguồn nước dưới đất bên ngoài các khu chế xuất - khu công nghiệp không phải hộ gia đình, Sawaco.

Sở đã xây dựng kế hoạch giảm 32% lượng khai thác sử dụng nước ngầm đến hết năm 2018.

Bên cạnh đó, sở cũng đề nghị UBND quận, huyện lập kế hoạch giảm khai thác nước ngầm với chỉ tiêu 32% với đối tượng là hộ dân, doanh nghiệp có lượng khai thác dưới 20 m3/ngày do quận, huyện quản lý.

Đối với hộ dân, sở phối hợp cùng với UBND quận, huyện để tuyên truyền sử dụng nước sạch gắn đồng hồ thay cho nước giếng. Đối với các hộ dân có chỉ số đồng hồ bằng 0 sẽ phối hợp cùng với xã, phường, Sawaco tìm hiểu nguyên nhân vì sao.

Nếu nguyên nhân người dân không sử dụng nước sạch do TP cung cấp mà sử dụng nước ngầm thì sẽ tuyên truyền cho người dân thay đổi, vì hiện nước ngầm tự khai thác dễ nhiễm vi sinh vật, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe...

Với nhóm đối tượng là doanh nghiệp, khu chế xuất - khu công nghiệp do Sở TN-MT quản lý, sở đã chuẩn bị để báo cáo ngừng cấp giấy phép 151 công trình với tổng lượng khai thác 62.860 m3/ngày.

Đối với công trình của Bộ TN-MT quản lý đã giảm một công trình với lưu lượng giảm được 3.000 m3/ngày.

Ngoài ra, Sở TN-MT TP sẽ triển khai song song kế hoạch trám lấp giếng khai thác nước dưới đất. TP.HCM là vùng hạn chế khai thác nước ngầm, nên sẽ dứt điểm việc khai thác nước ngầm ở khu vực nội thành.

Sawaco cũng đang khẩn trương tiến hành các biện pháp đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân.

Nước giếng do dân khai thác không đạt chất lượng

Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng ngày 31/5 cho biết qua thực hiện giám sát chất lượng các nguồn nước ăn uống, sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM ghi nhận nhiều mẫu nước không đạt chất lượng.

Với 149 mẫu giám sát thì có 72% mẫu đạt cả chỉ tiêu hóa lý và vi sinh, số còn lại là các mẫu không đạt. Đa số các mẫu không đạt chất lượng rơi vào nhóm nước giếng do hộ dân tự khai thác.

Nhiều mẫu nước giếng hộ gia đình tự khai thác đang bị ô nhiễm nặng; không đạt pH, có hàm lượng amoni cao và có mẫu nước nhiễm vi sinh (E.coli và coliforms)...

Theo Tuổi trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến