Dòng sự kiện:
TP HCM tiết kiệm khoảng 245.000 tỷ đồng trong 15 năm nhờ giảm kẹt xe
29/07/2019 11:37:04
Theo tính toán, TP HCM sẽ tiết kiệm được khoảng 245.000 tỷ đồng trong 15 năm nhờ giảm kẹt xe từ việc thu phí ô tô vào trung tâm.

Sau nhiều lần lấy ý kiến Hội đồng tư vấn giao thông đô thị và tìm hiểu thực tế ở nước ngoài, Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa đề xuất UBND thành phố đầu tư 250 tỷ đồng ngân sách làm 34 cổng thu phí ôtô vào khu vực trung tâm để hạn chế ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường. Đề xuất căn cứ trên đề án của Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD).

Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc ITD cho biết, TP HCM có 10% người dân đi ôtô, 80% đi xe máy, còn lại dùng phương tiện khác. Nếu cấm xe máy vào trung tâm sẽ ảnh hưởng đến phần lớn người dân, và xe máy chiếm 40% mặt đường nhưng chở được 80% lượng người; còn ôtô chiếm 55% mặt đường nhưng chỉ chở được 10%. Do vậy, kiểm soát ôtô sẽ nhanh hơn, tác động mạnh hơn. Với mức phí đề xuất 30.000-50.000 đồng, lượng ôtô vào vùng thu phí sẽ giảm khoảng 40%.

TP HCM tiết kiệm khoảng 245.000 tỷ đồng trong 15 năm nhờ giảm kẹt xe. Ảnh: Quỳnh Trang.

Về hiệu quả kinh tế, công ty tính toán, trong năm đầu tiên áp dụng thu phí, lượng ôtô vào trung tâm giờ cao điểm sẽ giảm tới 49%, nhường đường cho xe buýt tăng từ 9% lên 15%. Việc này giúp thay đổi hành vi sử dụng xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Mỗi năm kẹt xe gây thiệt hại cho TP HCM khoảng 140.000 tỷ đồng do lãng phí thời gian, nhiên liệu... Khi triển khai thu phí, phương tiện giao thông sẽ đi nhanh hơn 10%. Trung bình mỗi giờ làm việc được tính ra giá trị là 120.000 đồng, mỗi người tiết kiệm được 0,2 giờ kẹt xe quy đổi ra được khoảng 40.000 đồng/ngày. Con số này nhân với số dân và thời gian tiết kiệm trong vòng 15 năm sẽ ra số tiền tiết kiệm khoảng 245.000 tỷ đồng.

Trước lo ngại giá cả hàng hóa trong khu vực trung tâm tăng cao, ông Quân cho biết, đề án đề xuất chỉ thu phí trong giờ cao điểm - khung giờ xe tải không được lưu thông, nên không ảnh hưởng. Đối với các hộ dân sống tại trung tâm, thành phố có phương án miễn thu phí giống như ở các công trình BOT.

Theo đề án, 34 cổng thu phí được làm thành vành đai khép kín và một nhà điều hành để thu phí ôtô vào trung tâm trong 15 năm (2020-2035). Các cổng thu phí sử dụng công nghệ nhận diện vô tuyến, chỉ thu phí chiều ra khỏi trung tâm, giờ cao điểm (6-9h và 16-19h). Ôtô con phải đóng 40.000 đồng mỗi lượt; ôtô khách là 50.000 đồng; xe biển xanh vẫn phải nộp phí, trừ xe công vụ ưu tiên theo quy định (cấp cứu, hộ đê, chữa cháy...).

Xe buýt không bị thu phí; giảm 25% đối với taxi (30.000 đồng); xe đăng ký trong khu vực trung tâm cũng được đề xuất 3 phương án (giảm 25%, miễn phí mỗi ngày một lượt vào hoặc miễn phí đi xe buýt ở trung tâm).

Toàn bộ tiền thu phí sẽ dành cho quỹ hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng như: tăng đầu tư xe buýt mới, miễn phí đi xe buýt ở khu trung tâm, đầu tư thêm các nhà chờ... nhằm thu hút người dân sử dụng xe buýt, giảm xe cá nhân.

Trước đó, ngày 22/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP HCM phải thảo luận, bàn bạc kỹ lưỡng về hình thức thu phí vì còn nhiều ý kiến trái chiều.

Tháng 7/2019, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề xuất UBND thành phố đầu tư 250 tỷ đồng ngân sách xây 34 cổng thu phí ôtô vào khu vực trung tâm để hạn chế ùn tắc. Các trạm thu phí sẽ được xây tại quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10; vành đai thu phí, bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Cách này sẽ tạo thành vành đai khép kín khu vực trung tâm thành phố, và một số trục giao thông chính bên ngoài đang thường xuyên kẹt xe, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2019-2021.

TP HCM hiện có 7,6 triệu xe máy và hơn 700.000 ôtô. Mỗi tháng có 30.000 phương tiện đăng ký mới, tức mỗi ngày có 1.000 phương tiện đăng ký mới. Theo số liệu thống kê cơ quan chức năng thông báo, ôtô trên địa bàn thành phố tăng trên 15% chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019. Mật độ giao thông trong khu vực trung tâm đã quá tải, mặt đường thì lại khó mở rộng. Quan sát giao thông trên đường dễ thấy mỗi khi xảy ra kẹt xe, ôtô chiếm dụng phần lớn mặt đường. Khu vực trung tâm có nhiều tuyến đường hẹp, hai chiếc ôtô lách nhau vẫn có thể gây ùn ứ. Giờ cao điểm, trong hàng ngàn phương tiện, chỉ một ôtô gặp sự cố dừng lại cũng gây kẹt xe kéo dài.

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến