Dòng sự kiện:
TP HCM: Vốn FDI tập trung vào lĩnh vực nào trong 9 tháng đầu năm?
06/10/2021 16:58:32
Từ ngày 1/1 đến ngày 20/9, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào TP HCM là 2,35 tỷ USD. Trong đó, hơn 1/2 số vốn cấp mới đổ vào thị trường bất động sản.

 

Theo Báo cáo của ngành thống kê TP HCM, con số 2,35 tỷ USD nêu trên, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Dù vậy, tổng FDI này vẫn giảm 27,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số vốn FDI nêu trên, có 404 dự án cấp mới, với vốn đăng ký đạt 380,3 triệu USD, giảm 43,8% về số giấy phép và giảm 6,7% về vốn so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký vẫn tiếp tục tập trung chủ yếu ở 3 ngành là kinh doanh bất động sản (BĐS), thương nghiệp và vận tải kho bãi.

Cụ thể, ngành kinh doanh BĐS chiếm 56% về vốn đăng ký cấp mới, tương đương là 214,1 triệu USD (trong tổng số hơn 380 triệu USD vốn đăng ký mới). Kế đến là thương nghiệp, chiếm 16,2%, vốn đăng ký là 61,5 triệu USD và vận tải kho bãi chiếm 14,4%, vốn đăng ký đạt 54,9 triệu USD.

Về quốc gia, Singapore có 62 dự án, vốn 205,3 triệu USD (chiếm 54%) và Hà Lan 14 dự án, vốn đăng ký 81,2 triệu USD (chiếm 21,4%).

Ngành kinh doanh BĐS chiếm 56% về vốn đăng ký cấp mới, tương đương 214,1 triệu USD (Ảnh: Phùng Sơn).

Theo hình thức đầu tư, có 373 dự án 100% vốn FDI với tổng vốn đăng ký là 282,8 triệu USD. Hình thức liên doanh có 31 dự án, vốn đăng ký là 97,5 triệu USD.

Đối với hoạt động điều chỉnh vốn đầu tư, có 118 lượt dự án với số vốn tăng thêm là 648,3 triệu USD, giảm 27,6% về số giấy phép, nhưng vốn đăng ký tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn tăng 311 triệu USD (chiếm 48% tổng vốn điều chỉnh), hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ là 156,2 triệu USD (chiếm 24,1%) và thương nghiệp là 133,6 triệu USD (chiếm 20,6%).

Nhật Bản là nhà đầu tư có vốn điều chỉnh cao nhất, với số vốn tăng là 280,2 triệu USD, chiếm 43,2%. Kế đến là Singapore đạt 98,8 triệu USD (chiếm 15,3%) và Vương quốc Anh với 82,6 triệu USD (chiếm 12,8%).

Về góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài có 1.684 trường hợp với tổng vốn đạt 1,32 tỷ USD, giảm 48,4% về vốn so với cùng kỳ.

Những dự báo về thị trường bất động sản cuối năm 2021, đầu năm 2022

Việc tham gia thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, góp thêm cho thị trường BĐS quý 4/2021 và năm 2022 dự báo sẽ giảm bớt khó khăn hơn so với các quý trước đó.

Báo cáo của VNDirect cho rằng, quý 4/2021, thị trường BĐS sẽ thuận lợi hơn và năm 2022 sẽ phục hồi.

Thị trường BĐS quý 4/2021 và năm 2022 dự báo sẽ giảm bớt khó khăn hơn so với các quý trước đó (Ảnh: Phùng Sơn).

Cơ sở để đưa ra nhận định này, theo VNDirect có các yếu tố: thứ nhất, thị trường phục hồi diện rộng sẽ giúp thúc đẩy ngành, nhất là quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế thế giới trong nửa cuối năm 2021.

Thứ hai, lãi suất mua nhà tiếp tục duy trì ở mức thấp, từ đó giúp và kích cầu thị trường. Mức lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng nội địa tương đối ổn định, ở mức 9,2 - 9,5%/năm.

Thứ ba, việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng cũng là sẽ động lực thúc đẩy thị trường BĐS tăng trưởng trong tương lai.

Tại TP HCM, một số dự án cũng có tác động tích cực tới thị trường và dự kiến khởi công trong năm 2021, như: sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), cầu Thủ Thiêm 2.

Ngoài ra, TP HCM cũng phê duyệt một số quy hoạch sắp tới sẽ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và giá đất trong nửa đầu năm 2021, như: đề xuất thành lập TP Tây Bắc, gồm Củ Chi, Hóc Môn; chuyển huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ lên quận.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến