Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng quận Tân Bình. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)
Ngày 9/10, thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị đang xây dựng lộ trình ngừng hoạt động các bệnh viện dã chiến trên địa bàn, trả lại trường học, ký túc xá, nhà tái định cư do tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tính từ đầu tháng 7/2021 đến nay, thành phố đã lập 16 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 37.000 giường bệnh nhằm thu dung điều trị các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Hiện 16 bệnh viện dã chiến vẫn đang tiếp tục điều trị cho khoảng 9.443 F0. Do các bệnh viện dã chiến được trưng dụng từ khu nhà tái định cư, các ký túc xá của trường đại học, cao đẳng nên không thể sử dụng lâu dài.
Hiện tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, để chuẩn bị cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng bắt đầu trở lại học tập cũng như đưa những khu nhà tái định cư phục vụ người dân, ngành y tế thành phố đã xây dựng lộ trình ngừng hoạt động đối với các bệnh viện dã chiến thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ.
Dự kiến các bệnh viện dã chiến thành phố sẽ lần lượt ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, tháng 11 và tháng 12/2021.
Riêng các Bệnh viện dã chiến số 3, số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) sẽ là những bệnh viện ngừng hoạt động cuối cùng, dự kiến vào cuối tháng 12/2021 bởi đây là những bệnh viện đã được đầu tư hệ thống oxy lỏng, giường hồi sức để đảm trách tiếp nhận F0 nặng, tiếp tục hoạt động để các bệnh viện dã chiến khác ngừng hoạt động theo lộ trình.
Ngoài ra, Bệnh viện dã chiến số 5 cũng trong danh sách bệnh viện dã chiến ngừng hoạt động sau cùng do yêu cầu hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 mức độ nhẹ và trung bình từ các bệnh viện trong khu vực trung tâm thành phố (Bệnh viện Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, An Bình).
Để tiếp tục thu dung, điều trị các bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, ngành y tế tiếp tục duy trì hoạt động của các bệnh viện dã chiến quận, huyện để tạo điều kiện cho các bệnh viện quận, huyện chuyển đổi trở lại chức năng khám bệnh, chữa bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn; đồng thời tiếp nhận F0 khi các bệnh viện dã chiến của thành phố giải thể.
Tính đến ngày 8/10 đã có 15 bệnh viện dã chiến quận, huyện đi vào hoạt động với tổng quy mô gần 7.000 giường. Theo kế hoạch, các quận, huyện còn lại sẽ sớm thành lập bệnh viện dã chiến, với quy mô từ 300-500 giường/bệnh viện; trong đó có 30-50 giường oxy, do bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện tuyến thành phố trên cùng địa bàn đảm trách.
Sở Y tế yêu cầu, các bệnh viện dã chiến quận, huyện đang sử dụng cơ sở hạ tầng là trường học cần chuẩn bị phương án di dời sang cơ sở hạ tầng mới phù hợp. Ưu tiên sử dụng nguồn đất công thành lập bệnh viện dã chiến để có thể sử dụng lâu dài.
Về tiếp nhận các Trung tâm hồi sức COVID-19 (thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức, Bệnh viện Trung ương Huế) khi các bệnh viện Trung ương bàn giao lại cho thành phố, ngành y tế sẽ phân công các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố tiếp nhận và duy trì hoạt động các trung tâm hồi sức này.
Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp nhận Trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận Trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Bạch Mai.
Riêng Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục hỗ trợ thành phố vận hành Trung tâm Hồi sức tại Bệnh viện dã chiến số 14 cho đến cuối năm 2021, sau đó Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ tiếp nhận và vận hành trung tâm hồi sức này.
Theo kế hoạch, ngành y tế sẽ tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố triển khai mô hình “Bệnh viện dã chiến 3 tầng” tại các bệnh viện dã chiến số 16, số 13 và số 14 - nơi có các Trung tâm hồi sức COVID-19.
Sở Y tế sẽ điều động luân phiên nhân viên y tế (bao gồm bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên) từ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố và quận, huyện đến các “Bệnh viện dã chiến 3 tầng”.
Vùng xanh: - 13 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Lào Cai. - 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh. Vùng nguy cơ, nguy cơ cao và vùng đỏ (có ca cộng đồng những ngày gần đây): 43 tỉnh, thành phố -Miền Nam: 24 tỉnh, thành phố gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Long An, Kiên Giang, Bình Thuận, Tây Ninh, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Cần Thơ, Cà Mau, Hậu Giang, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Định, Phú Yên, Bến Tre, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Trà Vinh. -Miền Bắc: 7 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa. -Miền Trung-Tây Nguyên: 12 tỉnh, thành phố gồm Quảng Bình, Đắk Lắk, Quảng Trị, Nghệ An, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Gia Lai, Kon Tum, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. |
Tác giả: Đinh Hằng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy