Dòng sự kiện:
TPBank và ADB ưu đãi cho doanh nghiệp có nữ làm chủ khi vay vốn
09/05/2021 15:00:26
Quý I/2021, Masan Group đạt doanh thu 19.977 tỷ đồng; Rủi ro từ tội phạm tài chính của ngân hàng số trong tương lai… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.

TPBank và ADB ưu đãi cho doanh nghiệp có nữ làm chủ khi vay vốn

TPBank vừa phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ra mắt gói hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ, nhằm tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp này phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

TPBank và ADB ưu đãi cho doanh nghiệp có nữ làm chủ khi vay vốn/tin nhanh ngân hàng/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Với tổng giá trị của gói hỗ trợ lên tới 5 triệu USD, và được triển khai theo Hiệp định viện trợ không hoàn lại - trích từ Quỹ Sáng kiến tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi) do ADB ủy thác quản lý, gói tín dụng đặc biệt này được kỳ vọng sẽ tiếp thêm nguồn sinh lực cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam.

Theo đó, khách hàng là doanh nghiệp do nữ làm chủ nếu gặp khó khăn sẽ được TPBank hỗ trợ xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ hoặc gia hạn khoản vay. Nếu phát sinh cơ cấu nợ sau thời điểm TPBank ký Hiệp định ký với ADB thì sẽ được hỗ trợ 6 tháng tiền lãi, đồng thời được miễn toàn bộ các loại phí liên quan đến cơ cấu nợ.

Với các Khách hàng vay vốn mới, ADB đứng ra thay mặt khách hàng trả phí cam kết rút vốn, đồng thời TPBank cũng sẽ miễn, giảm thêm lãi suất để tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng giá rẻ, giảm giá thành đầu vào cho doanh nghiệp. Bên cạnh các hỗ trợ về tài chính, TPBank sẽ phối hợp với ADB tổ chức các lớp đào tạo, các chương trình tư vấn với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bên cạnh chương trình hợp tác với ADB, TPBank cũng có thêm nhiều chương trình ưu đãi khác cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ như miễn phí toàn bộ khi mở mới tài khoản tại TPBank, miễn phí gói internet banking và miễn toàn phí chuyển tiền trong nước, miễn phí dịch vụ chi hộ lương... cũng như chủ động giảm lãi suất cho vay từ nguồn kinh phí của chính TPBank.

Quý I/2021, Masan Group đạt doanh thu 19.977 tỷ đồng

Mới đây, Masan công bố kết quả kinh doanh Quý I/2021 của năm tài chính 2021.Theo đó, quý I/2021, Masan Group tăng trưởng EBITDA 62,2% và tăng trưởng doanh thu thuần hợp nhất đạt 19.977 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ.

Cũng theo báo cáo này, The CrownX đạt 1.216 tỷ đồng, xấp xỉ gấp đôi so với mức 614 tỷ đồng vào cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, VinCommerce (VCM) có lợi nhuận trong hai quý liên tiếp, biên EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao) cải thiện từ mức 0,2% vào quý IV/2020 lên 1,8% vào quý I/2021.

Quý I/2021, VCM đã hoàn tất đàm phán với các nhà cung cấp chiến lược chiếm 40% doanh thu của chuỗi, giúp tăng biên lợi nhuận thương mại lên 1,0% trên cơ sở doanh thu của các nhà cung cấp trên. VCM đang trên đà đạt mục tiêu tăng lợi nhuận thương mại lên 2,5 - 3,0% cho năm tài chính 2021.

Masan Consumer Holdings ghi nhận doanh thu tăng trưởng 18,8% và biên EBITDA tăng trưởng 20,8% dù giá nguyên liệu thô tăng. Doanh thu gia tăng nhờ chiến lược tăng trưởng được dẫn dắt bởi phát kiến đột phá 42% tăng trưởng trong quý I/2021 đến từ các sản phẩm mới ra mắt vào năm 2020. Tăng trưởng ngành hàng đồ uống hồi phục, cải thiện 35,5%.

Masan MEATLife (MML) đạt biên EBITDA ổn định ở mức 10,6% trong quý I/2021 dù giá cả hàng hóa tăng. MML tăng trưởng doanh thu 38,5% so với quý I/2020 do quy mô mảng kinh doanh thịt có thương hiệu tăng gấp đôi và sản lượng thức ăn chăn nuôi tăng hơn 20% do người chăn nuôi heo bắt đầu tái đàn.

Rủi ro từ tội phạm tài chính của ngân hàng số trong tương lai

Việc đầu tiên và khó khăn nhất trong công tác phòng chống tội phạm tài chính là xác định danh tính khi khách hàng mở tài khoản trực tuyến. Một số nước đã có các phương thức giúp ngân hàng số xác định danh tính như truy cập vào cơ sở dữ liệu danh tính chung tại Singapore, hoặc xác thực thông qua các tài liệu xác định danh tính và dữ liệu sinh trắc học tại HongKong, Malaysia.

Rủi ro từ tội phạm tài chính của ngân hàng số trong tương lai/Ảnh minh họa/tin nhanh ngân hàng/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tại Việt Nam, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN, trong đó có điều 14a về mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử, nhưng công tác xác định danh tính vẫn là thách thức lớn khi cơ sở dữ liệu công dân đang được hoàn thiện và cách thức tiếp cận để xác thực định danh khách hàng chưa rõ ràng.

Trong thời gian hoàn thiện cơ sở dữ liệu và chờ hướng dẫn từ các bộ ban ngành, các ngân hàng có thể xác định danh tính khách hàng thông qua việc lựa chọn nhà cung cấp giải pháp eKYC đủ năng lực để triển khai, cân bằng giữa việc tuân thủ các quy định và tăng trải nghiệm cho khách hàng để thực hiện tuân thủ theo các yêu cầu của pháp luật và giảm thiểu rủi ro rửa tiền/gian lận.

Tác giả: Mạnh Tưởng

Theo: Petro Times
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : vay vốn , adb , tpbank
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến