Dòng sự kiện:
TP.HCM có 88 ca nhiễm Omicron
24/01/2022 20:10:50
Trong số 88 ca nhiễm biến chủng Omicron có 5 ca cộng đồng, số còn lại là người nhập cảnh. Chỉ 7 trường hợp trong số này có triệu chứng nhẹ.

Chiều 24/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM họp báo định kỳ. Lãnh đạo Sở Y tế và GTVT TP.HCM đã thông tin về tình hình dịch bệnh và hoạt động vận tải khách dịp Tết Nguyên đán 2022.

Đa số ca nhiễm Omicron không có triệu chứng

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, cho biết TP.HCM đã ghi nhận 88 ca nhiễm biến chủng Omicron. Số này gồm 5 ca ghi nhận từ cộng đồng và 83 người nhập cảnh đã được cách ly theo dõi.

Theo ông Tâm, số ca cộng đồng này đều liên quan ca nhiễm đầu tiên nhập cảnh từ Nha Trang. Quá trình điều trị, chỉ có 7 trong số 88 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron có triệu chứng. Tuy nhiên, triệu chứng ghi nhận đều ở mức nhẹ như sốt, ớn lạnh, đau họng.

"Thời gian từ lúc dương tính với biến chủng mới đến khi âm tính là khá nhanh, chỉ khoảng 6 đến 7 ngày", phó giám đốc HCDC nói.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC). Ảnh: Chí Hùng.

Bệnh nhân nhập cảnh được xác định nhiễm biến chủng Omicron là chị N.T.N.P., 41 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại phường 17, quận Bình Thạnh. Chị P. đã tiêm 3 mũi vaccine, được cách ly sau nhập cảnh tại Nha Trang và phát hiện dương tính khi về ở TP.HCM.

Liên quan đến trường hợp này, ngành y tế đã điều tra, truy vết, xét nghiệm Covid-19 đối với những người có liên quan. Hai trường hợp mới có kết quả giải mã trình tự gene nhiễm Omicron đều là nam, có mối liên hệ với các bệnh nhân nhiễm Omicron trước đó.

Sẵn sàng phương án vận chuyển khi khách về quê tăng cao

Cũng tại buổi họp báo, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết dự báo lượng khách đi lại cao điểm năm nay tối đa bằng 50% số khách khi chưa có dịch.

Trong đó, hành khách đi lại cao điểm từ 27 Tết âm lịch (29/1) dự kiến không quá 60.000 khách/ngày. Tại bến xe Miền Đông tối đa không quá 25.000 khách/ngày; bến xe Miền Tây tối đa không quá 30.000 khách/ngày; các bến còn lại không quá 5.000 khách/ngày.

"Các kịch bản cho lượng khách tăng cao bất ngờ đã được chuẩn bị. Trung tâm và các doanh nghiệp vận tải cũng dự kiến tăng cường xe buýt để giải tỏa hành khách. Tuy nhiên đến nay, các bến liên tỉnh chưa có nhu cầu đề nghị tăng cường", ông Bùi Hòa An cho hay.

Theo thống kê, công suất tiếp nhận của các bến xe trên địa bàn là 13.972 xe/ngày, tương ứng hơn 364.600 hành khách.

Ông An cho biết Sở GTVT TP.HCM đã tiếp nhận 22 hồ sơ điều chỉnh tăng giá vé dịp Tết Nhâm Dần do quay đầu xe 1 chiều không có khách. Mức tăng không quá 40% đối với các tuyến từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây, Tây Ninh và không quá 60% các tuyến từ TP.HCM đi các tỉnh còn lại.

TP.HCM có 315 tuyến vận tải liên tỉnh đã hoạt động. Trong số đó có 50/57 tỉnh, thành phố kết nối với TP.HCM. Hiện chỉ còn tỉnh Bình Phước chưa kết nối lại hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh với TP.HCM do dịch trên địa bàn còn phức tạp. 6 tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hưng Yên đã tổ chức tuyến liên tỉnh cố định nhưng chưa có đơn vị vận tải đăng ký hoạt động do lượng khách đi lại thấp.

Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải thuộc Sở GTVT TP.HCM, hoạt động vận tải hành khách ở TP.HCM một tháng qua gần như trở lại bình thường. Một số tỉnh, thành phố vẫn còn áp dụng quy định cách ly đối với người về quê. Theo dự báo, sản lượng hành khách liên tỉnh năm nay của TP.HCM có thể chỉ đạt 50%; lĩnh vực đường sắt khoảng 30% và hàng không có sản lượng cao nhất khoảng 80% so với cùng kỳ năm trước.

Tác giả: Thư Trần

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến