Dòng sự kiện:
TP.HCM: Doanh nghiệp nợ hơn 4.500 tỷ tiền bảo hiểm xã hội
10/03/2023 09:45:55
Bảo hiểm Xã hội TP.HCM yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp khắc phục nợ bảo hiểm xã hội, thực hiện đóng đầy đủ cho người lao động. Cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ sang công an.

Tại buổi họp báo chiều 9/3, Bảo hiểm Xã hội TP.HCM đã thông tin về tình hình nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của các tổ chức, đơn vị trên địa bàn.

Theo đó, tính đến ngày 31/1/2023, toàn TP.HCM có tổng số đơn vị nợ BHXH từ một tháng trở lên là 58.092 đơn vị, với tổng số tiền nợ hơn 4.537 tỷ đồng.

Trong đó, nợ từ 1 đến dưới 3 tháng là 41.176 đơn vị với tổng số tiền nợ là 1.966 tỷ đồng; nợ từ 3 đến dưới 6 tháng là 6.729 đơn vị với tổng số tiền nợ là 423,725 tỷ đồng; nợ từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 3.546 đơn vị với tổng số tiền nợ là 335,507 tỷ đồng; nợ từ 12 tháng trở lên là 6.641 đơn vị với tổng số tiền nợ là 1.812 tỷ đồng.

Theo BHXH TP.HCM, doanh nghiệp nợ BHXH thì quyền lợi của người lao động sẽ bị thiệt thòi, ảnh hưởng đến việc xác nhận quá trình tham gia BHXH khi người lao động nghỉ việc, chỉ được xác định đến thời điểm đơn vị nộp đủ tiền. Ngoài ra, người lao động không được giải quyết kịp thời các chế độ BHXH như: hưu trí, ốm đau, thai sản.

Về hướng xử lý đối với các doanh nghiệp nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan BHXH thành phố sẽ kiểm tra, đối chiếu thu các đơn vị nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Yêu cầu đơn vị khắc phục nợ và thực hiện đóng đầy đủ cho người lao động.

Bên cạnh đó, cơ quan BHXH sẽ công khai danh tính các đơn vị nợ đọng BHXH từ 6 tháng trên các phương tiện truyền thông, báo, đài. Tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với các đơn vị không chấp hành đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, cho người lao động; kiên quyết xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Đáng chú ý, BHXH TP.HCM sẽ có động thái chuyển hồ sơ doanh nghiệp nợ BHXH sang cơ quan công an.

Tác giả: Trần Chung

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến