Theo đề án, vị trí đề xuất xây dựng cảng có kết nối thuận lợi với luồng hàng hải và luồng đường thủy. Tuy nhiên, hiện tại chưa có giao thông đường bộ và đường sắt kết nối tới khu vực vị trí cảng.
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, có quy hoạch đường Rừng Sác (đoạn từ Cao tốc Bến Lức - Long Thành đến thị trấn Cần Thạnh) với mặt cắt ngang đường rộng 120m. Hiện nay đang khai thác 6 làn xe, bề rộng mặt cắt ngang đường khoảng 30m.
Về tình hình đầu tư hạ tầng giao thông kết nối huyện Cần Giờ, hiện nay đường cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối huyện Bến Lức (tỉnh Long An) với huyện Nhà Bè, Cần Giờ (TPHCM) và huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) có chiều dài 58 km, đang được đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025, trong đó đoạn đi qua huyện Cần Giờ tại xã Bình Khánh là đường trên cao.
Ngoài ra, TPHCM cũng đang tổ chức lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh, dự kiến thông qua chủ trương đầu tư trong quý I năm 2024.
Phối cảnh cầu Cần Giờ.
Về định hướng nghiên cứu xây dựng hạ tầng giao thông, đề án cho biết, giai đoạn từ nay đến năm 2030, TPHCM sẽ đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ kết nối từ huyện Nhà Bè sang huyện Cần Giờ. Bên cạnh đó, sẽ đầu tư xây dựng nút giao thông đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh; Đầu tư nâng cấp, mở rộng các cầu trên đường Rừng Sác.
Ngoài ra, hiện nay, UBND TPHCM đang lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM, điều chỉnh quy hoạch vùng huyện Cần Giờ. Trong đó, nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt đô thị dọc theo đường Rừng Sác (dự kiến kết nối từ khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến metro số 4 tại huyện Nhà Bè); tuyến đường kết nối cụm cảng Cần Giờ - Cái Mép.
Đặc biệt là nghiên cứu tuyến đường ven biển kết nối giữa TPHCM (qua huyện Cần Giờ) với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đề án, vị trí xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đặt tại khu vực cù lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan dự kiến khoảng 2 km.
Tổng diện tích ước tính khoảng 571 ha, trong đó: Cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật... khoảng 469,5ha và diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng 101,5ha.
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Cảng có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 250.000DWT (24.000 Teu), tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000 - 65.000 tấn (750 - 5.200 Teu) và sà lan trọng tải tới 8.000 tấn (356 Teu).
Về công nghệ khai thác, thiết bị vận hành bốc xếp container sẽ sử dụng thiết bị chạy bằng năng lượng, nhiên liệu sạch, thân thiện và bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua cảng, dự kiến phân kỳ đầu tư trong 2 giai đoạn. Trong đó, tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2 khu bến chính/7 khu bến chính), giai đoạn 2 (sau năm 2030 đến năm 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các khu bến chính còn lại.
Tổng mức đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gần 129.000 tỷ đồng - tương đương hơn 5,45 tỷ USD.
Tác giả: Hữu Huy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy