Dòng sự kiện:
TP.HCM sắp xếp và sáp nhập cơ quan báo chí, không xóa tên tờ nào
30/05/2020 11:48:31
Từ 28 cơ quan báo chí, sau sắp xếp đến hết năm 2020 TP.HCM chỉ còn 19 đơn vị và đến năm 2025 nghiên cứu xây dựng đề án chỉ còn một Trung tâm báo chí đa phương tiện.

Không xóa tên cơ quan báo chí nào

Ngày 29/5, Sở TT&TT TP.HCM cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì Hội nghị triển khai đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP.HCM đến năm 2025.

Ông Lê Văn Minh, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, đề án sắp xếp, sáp nhập cơ quan báo chí TP thực hiện từng bước đi vững chắc, bám sát lộ trình của Trung ương. Ban Thường vụ Thành ủy đã ba lần họp thường vụ cho ý kiến về đề án này.

Ông Đặng Quốc Vinh, đại diện Bộ TT&TT đánh giá đề án sắp xếp, sáp nhập báo chí của TP.HCM nghiêm túc, khoa học và có lý, có tình

Đại diện Bộ TT&TT ông Đặng Quốc Vinh đánh giá đề án sắp xếp, sáp nhập các cơ quan báo chí của TP được tiến hành thận trọng, khoa học, nghiêm túc và đúng tiến độ. Việc thực hiện đề án cũng rất có lý, có tình, đó là không xóa tên cơ quan báo chí nào. Chỉ chuyển đổi loại hình và cơ quan chủ quản".

Theo Phó giám đốc Sở TT&TT Từ Lương, thời gian qua các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản đôi lúc buông lỏng, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích. Nên, việc sắp xếp, sáp nhập nhằm hạn chế những khiếm khuyết này.

“Đề án đã công bố, trước 30/6 các cơ quan chủ quản phải trình đề án ra Bộ TT&TT để thu hồi và cấp đổi mới giấy phép hoạt động”, ông Từ Lương yêu cầu.

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến còn băn khoăn về đề án sắp xếp, sáp nhập báo chí.

Đại diện Hội Liên hiệp khoa học TP và Thành đoàn TP đề nghị kéo dài thời gian để xây dựng đề án sáp nhập và cơ chế hoạt động, hạn chót đến cuối 30/6 là quá gấp.

TBT báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ đồng tình với đề án, nhưng cũng đề nghị kéo dài thời gian để chuẩn bị chu đáo. Sáp nhập thì mô hình tổ chức, bộ máy sẽ khác nên cần thời gian và sự hướng dẫn cụ thể.

Ý kiến khác cũng băn khoăn khi nêu ý kiến sáp nhập thì giữ tên hay thay đổi tên gọi cơ quan báo chí.

TP.HCM chỉ còn 19 cơ quan báo chí

Trước đó, ngày 22/5, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đã ký ban hành quyết định phê duyệt đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP.HCM đến năm 2025.

Theo đó, TP.HCM còn 19 cơ quan báo chí gồm 7 báo in (trong đó có 2 tờ báo thuộc tổ chức tôn giáo), 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí. Các cơ quan báo chí vừa có báo in vừa có báo điện tử. Tạp chí in và tạp chí điện tử thì sắp xếp theo lộ trình của báo in, tạp chí in.

Số lượng cơ quan báo chí TP thực hiện sắp xếp là 27/28 (Báo Công an TP.HCM thực hiện sắp xếp theo đề án của Bộ Công an) với lộ trình gồm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Từ khi đề án được phê duyệt đến hết năm 2020, có 21 cơ quan báo chí phải sắp xếp. Trong đó, giữ ổn định một cơ quan là báo Sài Gòn Giải Phóng.

Cụ thể, chuyển cơ quan chủ quản 6 cơ quan báo chí, gồm: Phụ nữ TP.HCM chuyển từ Hội Liên hiệp phụ nữ TP sang Thành ủy; Tuổi Trẻ từ Thành đoàn sang Thành ủy; Người lao động từ Liên đoàn Lao động TP sang Thành ủy; Pháp Luật TP.HCM từ Sở Tư pháp sang UBND TP; Tạp chí Du lịch từ Sở Du lịch sang UBND TP.HCM và Tạp chí Phát triển Nhân lực từ UBND TP sang Học viện Cán bộ TP.

Chuyển đổi mô hình hoạt động, chuyển cơ quan chủ quan 8 cơ quan báo chí thành Tạp chí, gồm: Cựu chiến binh, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Giáo dục TP.HCM, Doanh nhân Sài Gòn, Khoa học Phổ thông, Tuần báo Văn nghệ TP.HCM, Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng, Tạp chí HTV.

Giai đoạn 2: Từ 2021-2025, sẽ hoàn thành việc sắp xếp. Các cơ quan báo chí nhanh chóng ổn định, hoạt động theo yêu cầu mới. Đến năm 2025, TP.HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu việc sắp xếp báo chí theo đề án còn một cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến