Các địa phương đang chờ ý kiến góp ý từ các cơ quan có liên quan, sau đó sẽ công bố chính thức danh mục các tuyến đường được sử dụng tạm thời vỉa hè; từ đó, tiếp nhận đăng ký, cấp phép, thông qua phương án và thu phí theo quy định.
Vỉa hè đường Cống Quỳnh, quận 1 được kẻ vạch để người dân đỗ xe máy tự quản. Ảnh: Nguyễn Hữu Huy
Gần 100 tuyến đường đủ điều kiện thu phí
UBND quận 1, quận 10 và quận 11 (TPHCM) vừa có văn bản gửi Sở GTVT TPHCM cùng các đơn vị liên quan lấy ý kiến các danh mục tuyến đường có hè phố sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông.
Theo đó, qua rà soát cho thấy quận 1 là địa phương có nhiều tuyến đường nhất với 52 tuyến đường (rộng từ 3 m trở lên) có các đoạn hè phố đủ điều kiện tổ chức các điểm kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa và 12 tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện tổ chức giữ xe có thu phí. Trước đó, UBND quận 1 đã kẻ vạch vỉa hè để người dân đỗ xe máy tự quản (không thu tiền) trên 86 tuyến đường.
UBND quận 10 cũng đã xác định có 28 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3 m trở lên đủ điều kiện sử dụng tạm thời một phần để tổ chức kinh doanh dịch vụ mua, bán hàng hóa và 4 tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện làm điểm trông, giữ xe có thu phí.
Tại quận 11, UBND quận đã rà soát, lập danh mục có 17 tuyến đường giữ xe 2 bánh không thu tiền dịch vụ và 1 tuyến đường để xe 2 bánh có thu tiền dịch vụ. Danh sách các tuyến đường này đã được các quận gửi về Sở GTVT xem xét thống nhất danh mục và cho ý kiến phản hồi.
Lãnh đạo UBND quận 1 cho biết, quận đã hoàn thiện nội dung bản đồ số và các tài liệu có liên quan trên cơ sở danh mục tuyến đường có hè phố đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm thời một phần hè phố làm điểm giữ xe hai bánh (không thu tiền dịch vụ), tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa và điểm trông, giữ xe có thu phí trên địa bàn. Ngoài ra, UBND 10 phường thuộc quận 1 đang rà soát một số tuyến đường trên địa bàn có hè phố đủ điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa để thí điểm.
“Để chuẩn bị cho việc thí điểm thu phí, quận đang xây dựng phần mềm bản đồ số các tuyến đường để quản lý. Qua đó, người dân có thể tra cứu từng tuyến đường để biết thông tin về mục đích sử dụng, diện tích sử dụng và mức đóng phí. Sắp tới, toàn bộ quá trình người dân đăng ký sử dụng tạm thời vỉa hè, nộp phí, UBND phường theo dõi, giám sát đều được thực hiện trên nền tảng số”, lãnh đạo UBND quận 1 thông tin.
Ông Dương Thanh Bình, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị, UBND quận 1 cho biết, sau khi thống nhất danh mục tuyến đường, căn cứ danh mục này, UBND quận giao cho các phường làm việc với các hộ dân trên các tuyến đường có đăng ký kinh doanh, để từ đó đánh giá nhu cầu sử dụng phần hè phố phía trước mặt bằng nơi cơ sở kinh doanh. “Người dân, hộ kinh doanh có nhu cầu kinh doanh ở phần vỉa hè trước nhà của mình thì họ sẽ đăng ký sử dụng và sẽ trả phí. Trường hợp chủ của căn nhà không kinh doanh thì phần vỉa hè trước nhà sẽ để trống hoặc phục vụ hạ tầng kỹ thuật. Không có chuyện người ở nơi khác được quyền sử dụng phần vỉa hè đó để kinh doanh”, ông Bình thông tin.
Từ đầu năm 2024, TPHCM áp dụng quy định mới về quản lý lòng đường, hè phố. Theo đó, mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe từ 20.000-350.000 đồng/m2/tháng và mức thu phí cho các hoạt động khác từ 20.000-100.000 đồng/m2/tháng, tùy vào từng khu vực và vị trí các tuyến đường. TPHCM được chia thành 5 khu vực để tính mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè. Trong đó, khu vực 1 (gồm quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm) có mức thu phí cao nhất; trong khi khu vực 5 (huyện Cần Giờ) có mức thu thấp nhất. |
Cần hoàn thiện phương án thu phí
Trong văn bản hướng dẫn về việc thực hiện một số quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố, Sở GTVT TPHCM cho biết, Sở sẽ tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường trên các tuyến đường do Sở quản lý. UBND cấp quận, huyện tổ chức thu phí sử dụng tạm thời hè phố đối với các tuyến đường do địa phương quản lý.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở GTVT TPHCM, cho biết đơn vị đang rà soát, nghiên cứu thí điểm 5 tuyến đường đủ điều kiện để làm bãi đỗ xe dưới lòng đường có thu phí. Sở sẽ tổ chức đấu thầu đơn vị thu phí và dự kiến nộp vào ngân sách thành phố trung bình khoảng 30 tỷ đồng/năm. Về mức phí giữ xe, doanh nghiệp trúng thầu không được phép thu cao hơn mức giá trần mà UBND TPHCM quy định.
Sở GTVT cũng đã và đang góp ý với các quận, huyện và TP Thủ Đức để hoàn thiện phương án thu phí. “Theo quy trình, các địa phương phải lấy thêm ý kiến của Công an TPHCM và Ban An toàn giao thông TPHCM, sau đó mới công bố danh mục các tuyến đường được sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè”, đại diện Sở GTVT cho biết.
Tác giả: Hữu Huy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy