HĐND Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành 2 nghị quyết về việc thông qua quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của Tp.Nha Trang và Nghị quyết thông qua đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố này đến năm 2040.
Đất thương mại dịch vụ được điều chỉnh tăng gần 4 lần
Theo Nghị quyết về việc thông qua quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của Tp.Nha Trang, tổng diện tích tự nhiên của Thành phố này năm 2020 là hơn 25.422ha. Trong đó, đất nông nghiệp gần 10.722ha (chiếm 42,17%), đất phi nông nghiệp gần 7.634ha (chiếm 30,03%), còn lại hơn 7.066ha (chiếm 27,8%) là đất chưa sử dụng.
Quy hoạch sử dụng đất Tp.Nha Trang vừa được thông qua, đến 2030 sẽ điều chỉnh diện tích đất nông nghiệp giảm xuống còn hơn 8.896ha (chiếm 34,85%). Trong đó, đất trồng cây lâu năm từ 3.052ha giảm còn 763ha; đất trồng cây hàng năm khác từ 616,52ha giảm còn 18,56ha. Ngoài ra, các loại đất khác như đất trồng lúa, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác cũng giảm mạnh…
Trong khi đó, diện tích đất phi nông nghiệp được điều chỉnh tăng lên 16.631ha (chiếm 65,15%).
Trong đó, đất thương mại dịch vụ được điều chỉnh tăng gần 4 lần, từ 996,3ha lên hơn 3.866ha vào năm 2030; đất khu vui chơi, giải trí công cộng cũng tăng gần 14 lần từ 131,29ha lên 1.798,7ha. Bên cạnh đó, đất ở nông thôn cũng được điều chỉnh từ hơn 606ha tăng lên gần 1.638ha; đất ở đô thị từ 1.212ha tăng lên hơn 2.260ha…
Diện tích đất chưa sử dụng là hơn 7.066ha sẽ được sử dụng trong thời gian tới.
Đến năm 2030, đất thương mại dịch vụ ở Tp.Nha Trang được điều chỉnh tăng gần 4 lần.
Trong giai đoạn 2021-2030, diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp là hơn 6.492ha.
Trong đó, đất trồng lúa là 718ha, đất trồng cây hàng năm khác là hơn 495ha, đất trồng cây lâu năm là hơn 2.223ha, đất rừng sản xuất là hơn 2.592ha, đất nuôi trồng thủy sản là hơn 453ha, đất nông nghiệp khác là 9,14ha. Còn đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở là 475,5ha.
Theo Nghị quyết, HĐND Thành phố này không thống nhất hướng tuyến đường kết nối cầu An Viên qua núi Hòn Rớ tới đại lộ Nguyễn Tất Thành. Cơ quan này đề nghị UBND thành phố cập nhật hướng tuyến theo Đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung Tp.Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, đề nghị UBND Tp.Nha Trang không hợp thức hóa các dự án sai phạm; các sai phạm trong việc phân lô đất nền, xây dựng trái phép theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương.
Xây dựng Tp.Nha Trang trở thành đô thị xanh, sạch và phát triển bền vững
Cùng với đó, HĐND Tp.Nha Trang cũng đã ban hành Nghị quyết thông qua đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Tp.Nha Trang đến năm 2040.
Phạm vi nghiên cứu của đồ án bao gồm toàn bộ địa giới hành chính Tp.Nha Trang hiện nay và một phần diện tích của 4 xã, thị trấn (các xã Diên An, Diên Toàn, Suối Hiệp và thị trấn Diên Khánh) của huyện Diên Khánh.
Tổng diện tích nghiên cứu khoảng 27.802ha. Trong đó, diện tích tự nhiên của Tp.Nha Trang là hơn 25.422ha, khoảng 1.500ha diện tích bảo tồn sinh cảnh, sinh thái ngập mặn và phát triển đô thị, dịch vụ trên mặt biển và diện tích huyện Diên Khánh là 880ha. Quy mô dân số dự báo đến năm 2040 là khoảng 780.000 người.
Nghị quyết cũng là cơ sở để UBND Tp.Nha Trang, các Sở, ngành liên quan và đơn vị tư vấn thực hiện các bước tiếp theo nhằm hoàn chỉnh đồ án trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Theo đó, quy hoạch nhằm đưa Tp.Nha Trang trở thành đô thị xanh, sạch và phát triển bền vững, có dịch vụ đa dạng, du lịch đẳng cấp gắn với những giá trị cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc.
Đồng thời là một trung tâm du lịch sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế; là trung tâm nghiên cứu sáng tạo gắn với môi trường sống thân thiện, trong lành, giàu giá trị văn hóa, nhân văn của cả nước và khu vực.
Tp.Nha Trang đặt ra 5 chiến lược phát triển bao gồm chiến lược bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên; phát triển văn hóa – xã hội; phát triển du lịch – ngành kinh tế chính của Thành phố này; đa dạng hóa hoạt động kinh tế, phát triển kinh tế bền vững; phát triển thành phố thông minh.
Tp.Nha Trang được định hướng trở thành đô thị xanh, sạch và phát triển bền vững, có dịch vụ đa dạng, du lịch đẳng cấp gắn với những giá trị cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc.
Trong định hướng phát triển không gian đô thị tổng thể của đồ án, HĐND thành phố thông qua 16 yêu cầu.
Trong đó, nâng cao chất lượng và giá trị các không gian đô thị hiện có; phát triển mở rộng không gian xây dựng đô thị về phía bắc, tây bắc, phía tây, phía nam và phía đông ra biển - khu vực Vĩnh Lương, Phước Đồng và trên các đảo, nhưng phải đảm bảo được yếu tố tôn tạo và phát huy được các giá trị cảnh quan đặc trưng.
Xây dựng và tổ chức hệ thống hạ tầng xanh, không gian mở bao gồm hệ thống mặt nước biển, sông, hồ, đầm gắn với hệ thống công viên, quảng trường công cộng ven biển, ven sông, trên vùng núi, trong vùng đồng trũng, trong các khu đô thị…
Chỉ tiêu đất cây xanh - công viên công cộng và thể dục thể thao đô thị đạt 16m2/người. Xây dựng kè ven sông tại các vị trí có nguy cơ sạt lở với thiết kế kè kết hợp với không gian vui chơi giải trí, đan xen và nối trực tiếp với các dãy phố đô thị để cung cấp dịch vụ cho hoạt động công cộng ven sông.
Theo Nghị quyết, tổ chức đô thị đa trung tâm, với trung tâm chính là dải đô thị ven biển và các khu trung tâm khác tại khu vực sân bay Nha Trang cũ, dọc sông Cái, tại khu vực đô thị sinh thái Đồng Trũng phía Nam đường Phong Châu, dọc đường Võ Nguyên Giáp và các trục chính đô thị, trên đảo Hòn Tre; dọc các dòng sông khác trong thành phố và xung quanh công viên trong mỗi khu đô thị.
HĐND Tp.Nha Trang cũng thông qua việc phát triển các khu dịch vụ, du lịch sinh thái núi và tiếp tục triển khai các khu đô thị du lịch sinh thái núi đã được quy hoạch trước đây, để khai thác các giá trị cảnh quan đặc sắc của Thành phố này.
Tuy nhiên, HĐND cũng yêu cầu là cần thực hiện khảo sát địa chất chi tiết, kết hợp nghiên cứu trong điều kiện có mưa cực đoan, để có các biện pháp phòng ngừa và loại trừ nguy cơ sạt lở đất trong toàn lưu vực thoát nước có liên quan.
Đặc biệt, không xây dựng công trình ở tại những khu vực có nguy cơ sạt lở. Các khu vực không có nguy cơ sạt lở, chỉ quy hoạch đất thương mại, dịch vụ đối với các dự án mới, theo hướng thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên và đảm bảo mật độ xây dựng tối đa không quá 10%.
Hạn chế xây dựng các khu đô thị khép kín. Chỉ cho phép tổ chức các cụm công trình có hàng rào bảo vệ riêng với kích thước mỗi chiều của khu đất không quá 300m và tổng diện tích khu đất không quá 4ha…
Tác giả: Châu Tường
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy